Nhiệm kỳ của ông Trump lập kỷ lục về lệnh trừng phạt
Chưa một chính quyền nào trước đây của Mỹ sử dụng lệnh trừng phạt nhiều như chính quyền Tổng thống Donald Trump
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp lệnh trừng phạt với tần suất cao chưa từng thấy, khoảng 3 lệnh trừng phạt được đưa ra mỗi ngày, trong 4 năm cầm quyền vừa qua, hãng tin Bloomberg cho hay. Các biện pháp này nhằm vào các công ty, cá nhân, và thậm chí cả những con tàu chở dầu có mối liên hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Venezuela.
Với quyết tâm theo đuổi chủ trương "nước Mỹ trên hết" trong xử lý các vấn đề địa chính trị, chính quyền ông Trump đã mạnh tay sử dụng những biện pháp như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt thứ cấp… áp lên cả những nước đối thủ lẫn đồng minh của Mỹ.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - vì Ankara bắt giữ một mục sư người Mỹ, và đe dọa trừng phạt Đức vì vụ đường ống dẫn khí đốt mang tên Nord Stream 2.
Mặc những lời cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc quá lớn và có quan hệ quá mật thiết với Mỹ, ông Trump liên tục trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm 14 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bị Washington áp lệnh trừng phạt hôm 7/12 vừa qua vì liên quan đến vấn đề Hồng Kông. Ông cũng phớt lờ những cảnh báo rằng lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác châu Âu.
"Họ đã sử dụng những công cụ như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt cấp 1-2-3 đối với những nước như Trung Quốc và nhiều nước khác. Chúng tôi chưa từng thấy một chính quyền nào sáng tạo đến như vậy trong việc sử dụng những công cụ đa dạng này theo một cách có vẻ như được phối hợp đến vậy", ông Adam Smith, chuyên gia thuộc Gibson, Dunn & Crutcher, phát biểu.
Theo dữ liệu của Gibson, Dunn & Crutcher, chính quyền ông Trump đã dùng tổng cộng hơn 3.900 lệnh trừng phạt, trong đó nhiều nhất là vào năm 2018. Đó là năm mà Mỹ tái áp nhiều biện pháp trừng phạt lên Iran sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký năm 2015 với 6 cường quốc. Chưa một chính quyền nào trước đây của Mỹ sử dụng quá 700 lệnh trừng phạt trong 1 năm.
Số liệu mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tại một hội thảo mới đây cho thấy, Iran là mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt mà chính quyền ông Trump đưa ra. Từ khi cầm quyền, ông Trump đã trừng phạt 1.500 cá nhân và thực thể của Iran trong 77 đợt trừng phạt khác nhau.
Theo Bloomberg, ê-kíp của Tổng thống đắc cử Joe Biden hứa sẽ rà soát lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm, nhưng rất có thể công cụ này vẫn được sử dụng phổ biến sau khi ông Biden lên cầm quyền. Đến hiện tại, lựa chọn của ông Biden cho các vị trí trong nội các của ông cho thấy hạn chế kinh tế đối với các quốc gia khác sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng của Washington trong ít nhất 4 năm tới.
Ông Adewale "Wally" Adeyemo, người được ông Biden lựa chọn cho cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã nói vào hôm 1/12: "Chúng ta phải tập trung vào vai trò quan trọng của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Việc này bao gồm sử dụng cơ chế lệnh trừng phạt để bắt những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm".
Bản thân ông Biden kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái sẽ đòi hỏi nới lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hồi tháng 9, ông Biden nói nếu đắc cử, ông "sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong các vấn đề nhân quyền, hậu thuẫn khủng bố và chương trình hạt nhân".
Một thách thức đối với ông Biden là lệnh trừng phạt của Mỹ hiện quá nhiều và quá phức tạp, đến nỗi khó thực thi đầy đủ mà không đặt ra nguy cơ phản tác dụng đối với kinh tế Mỹ. Ngoài ra, các nhà phê bình cho rằng chính quyền ông Trump đã dùng lệnh trừng phạt quá mạnh tay và không có sự phân biệt nào, xem đó như biện pháp để giải quyết tất cả các vấn đề về chính sách đối ngoại.
Nhìn chung, ê-kíp của ông Biden lập luận rằng, nếu sử dụng lệnh trừng phạt, họ sẽ phối hợp với các nước đồng minh. Hai quốc gia là mục tiêu chính sẽ bao gồm Nga - nơi Mỹ sẽ nhằm vào các nhà tài phiệt bị cho là đồng minh của Tổng thống Putin, và Trung Quốc - nước mà chính quyền ông Trump đã đơn phương, thay vì phối hợp với các nước khác, để trừng phạt.
Các chuyên gia về lệnh trừng phạt nói rằng các biện pháp mà chính quyền ông Trump sử dụng nói chung là hiệu quả, nhưng đôi khi dường như như các biện pháp này được dùng như "chiêu thức PR" thay vì một chính sách kinh tế hợp lý. Các chuyên gia kỳ vọng điều này sẽ không lặp lại ở chính quyền ông Biden.
"Tôi không cho là họ sẽ giảm việc trừng phạt, nhưng họ sẽ giảm việc sử dụng sai các lệnh trừng phạt", ông Daniel Fried, một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. "Hy vọng là họ sẽ giảm việc sử dụng lệnh trừng phạt chỉ để truyền tải thông điệp, hay như một công cụ quản lý chu kỳ truyền thông - trừng phạt chỉ để chứng tỏ là mình cứng rắn".