Nhiều ngân hàng báo lãi đột biến của đột biến nửa đầu 2018
Một loạt ngân hàng tiếp tục báo lãi tăng mạnh, dù trên nền tham chiếu đã đột biến trong 2017
Hai tuần sau kết thúc quý 2/2018, thị trường đón thông tin cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản từ các ngân hàng thương mại. Đột biến của đột biến có ở lợi nhuận của nhiều thành viên.
Đột biến của đột biến, vì trong năm 2017 nhiều ngân hàng thương mại đã có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh, nâng cơ sở tham chiếu lên cao để so sánh cho mức tăng trưởng của kỳ này.
Năm ngoái, lợi nhuận hầu hết các ngân hàng thương mại đều bùng nổ. Trong đó có loạt trường hợp tính bằng lần như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)…
Trên nền kết quả cao năm ngoái, nửa đầu năm nay, chính những thành viên trên tiếp tục tạo đột biến.
Như để tiếp tục khẳng định giai đoạn phát triển mới sau khi tái cơ cấu thành công, TPBank là thành viên thường cập nhật kết quả kinh doanh các quý sớm nhất trong hệ thống những năm gần đây, chỉ ít ngày sau khi chốt sổ.
Sau năm đột biến 2017, 6 tháng đầu 2018 TPBank tiếp tục công bố lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, VIB cũng nhanh chóng cập nhật lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2017.
Kỳ 6 tháng đầu năm 2017, OCB từng tạo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ 2016. 6 tháng đầu năm nay, thông tin vừa công bố tiếp tục đưa ra con số đột biến hơn nữa, gấp hơn 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.302 tỷ đồng.
Cùng với những thành viên trên, HDBank cũng là trường hợp đã tạo lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần qua các quý năm 2017 so với cùng kỳ năm trước. Hiện HDBank chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2018 cụ thể, nhưng thông tin bước đầu cho biết lợi nhuận trước thuế kỳ này tiếp tục vượt xa mức tăng trưởng gấp đôi so với 6 tháng đầu 2017.
Ngoài ra, nửa đầu năm nay hệ thống ghi nhận thêm trường hợp Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), với thông tin vừa công bố đã hoàn thành tới 97,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 chỉ sau 6 tháng.
Theo quy định, còn hai tuần nữa để đến hạn cuối các ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý 2/2018. Những thành viên trên bước đầu đại diện cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến; phần lớn còn lại dự kiến sẽ có kết quả phản ánh tình hình kinh doanh phân hóa rõ hơn.
Trong đó, quy mô lợi nhuận về con số tuyệt đối trở nên đáng chú ý ở một số so sánh.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã cập nhật con số lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay với 7.722 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh với 52,7% so với cùng kỳ 2017. Và dự kiến đây vẫn là thành viên dẫn đầu hệ thống về quy mô lợi nhuận theo con số tuyệt đối.
Sự chú ý sẽ tập trung ở hai thành viên bám sát nhau trong các kỳ công bố gần đây: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Dự kiến đây cũng sẽ là hai thành viên dẫn đầu lợi nhuận nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối) nửa đầu 2018.
Bên cạnh đó, kỳ cập nhật này sẽ trở nên thú vị khi sự so sánh về quy mô lợi nhuận VPBank và Techcombank dự kiến sẽ nổi trội bên cạnh những "ông lớn" có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối là Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), dù quy mô vốn và tổng tài sản chênh lệch lớn.
Dù còn nhiều thành viên chưa công bố, song với những cập nhật bước đầu và dự báo trước, kỳ 6 tháng đầu năm 2018 đang định hình kết quả lợi nhuận tốt nhất trong lịch sử của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung.
Tất nhiên, kết quả đó hình thành trên cơ sở nền tảng tài chính và thị trường rộng mở hơn trước đây, gắn với môi trường và những hướng dịch chuyển khác biệt, mà VnEconomy sẽ tiếp tục đề cập cụ thể.