Nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ nới lỏng giãn cách xã hội, vẫn siết chặt đi lại

Xuân Nghi
Chia sẻ

Nhiều địa phương các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã đồng loạt nới lỏng mức giãn cách xã hội, tuy vẫn siết chặt việc đi lại…

Trên bản đồ Covid-19, tỉnh Bến Tre đã phủ sắc xanh (vùng an toàn) và đã trở lại trạng thái "bình thường mới".
Trên bản đồ Covid-19, tỉnh Bến Tre đã phủ sắc xanh (vùng an toàn) và đã trở lại trạng thái "bình thường mới".

Từ giữa tháng 9/2021, bốn tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang và Sóc Trăng đã có thông báo thay đổi biện pháp giãn cách xã hội đối với các địa phương trong tỉnh. 

CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỒNG LOẠT NỚI LỎNG GIÃN CÁCH

Tỉnh Vĩnh Long quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, từ Chỉ thị 16 tăng cường (CT 16+) xuống Chỉ thị 15, bắt đầu từ 0h ngày 16/9 đến 30/9.

Tại Đồng Tháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã ký quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với TP. Sa Đéc, các huyện Châu Thành và Lấp Vò đến khi kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn.

Các thành phố gồm: Cao Lãnh, Hồng Ngự cùng các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

Tỉnh Tiền Giang nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 20/9, trừ 3 địa phương là TP. Mỹ Tho cùng hai huyện Châu Thành và Chợ Gạo. Đến 0h ngày 26/9 thì áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn tỉnh.

Riêng tại Sóc Trăng, tỉnh này đã quyết định chuyển sang phương án phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh theo trạng thái bình thường mới. Theo Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, qua một tháng triển khai phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ 4 vùng, trong đó, siết chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, chuyển hóa “vùng cam” và “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh” đã mang lại những kết quả phấn khởi. Đến nay, tỉnh không còn xã có “nguy cơ rất cao” (vùng đỏ), hơn 100 xã đã “bình thường mới” (vùng xanh),...

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều đã ký quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 trên địa bàn. Riêng 4 phường/thị trấn, gồm: Phường 8 (TP. Bạc Liêu), phường 1 (thị xã Giá Rai), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) và thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) giãn cách theo Chỉ thị 15. Thời gian áp dụng giãn cách đối với tất cả địa phương trên là từ 0h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo mới. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu thực hiện phong tỏa cách ly y tế cục bộ trên tinh thần “hẹp và chặt” tại các khu vực, địa điểm có nhiều F0 hoặc nguy cơ rất cao.

Cần Thơ cũng thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 24/9. Riêng 9 phường của hai quận Ninh Kiều và Cái Răng vẫn thực hiện Chỉ thị 16 để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 đến ngày 01/10. Đó là các phường: An Hòa, An Khánh, Cái Khế, Hưng Lợi, Tân An, Xuân Khánh (Q.Ninh Kiều) và Hưng Phú, Phú Thứ, Tân Phú (Q.Cái Răng).

Đặc biệt tại Bến Tre, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết tỉnh đã có quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 19 từ 0h ngày 27/9. Đây là địa phương đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long áp dụng hình thức giãn cách xã hội này trên toàn tỉnh.  

Đến nay toàn tỉnh Bến Tre có 9/9 huyện và thành phố, 156/157 xã/phường/thị trấn và 966 ấp đạt mức bình thường mới. Trên bản đồ Covid-19 đã phủ sắc xanh (vùng an toàn). Sau hơn 2 tháng nỗ lực dập dịch, tỉnh Bến Tre đã đạt được kết quả ban đầu và người dân đã dần quay lại với cuộc sống bình thường mới. Tổng số ca mắc hiện nay của tỉnh là 1.866 ca, trong đó có 1.729 ca ra viện, 48 ca tử vong.

VẪN SIẾT CHẶT VIỆC ĐI LẠI

Tuy các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội và không còn tỉnh/thành nào áp dụng Chỉ thị 16, nhưng việc đi lại nhìn chung vẫn còn phải siết chặt nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Tại Cần Thơ, chính quyền TP. Cần Thơ quy định, người dân tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn Thành phố hoặc đến nơi có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh Covid-19, trừ cấp cứu hoặc trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Thành phố cho phép.

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều yêu cầu lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt chẽ tất cả trường hợp ra vào tỉnh. Mọi người không được di chuyển ra/vào tỉnh khi chưa được sự cho phép của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Lực lượng vũ trang của tỉnh được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị của trung ương và tỉnh, thành khác kiểm soát chặt chẽ không để dịch xâm nhập vào; cũng như yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly đối với người từ tỉnh, thành có dịch.

Tỉnh Tiền Giang quy định người vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính còn thời hạn trong 48 giờ và phải cách ly tập trung 14 ngày. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long quy định, người dân không tự ý ra khỏi tỉnh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đối với người từ vùng dịch vào tỉnh (trừ trường hợp đi ngang qua và không dừng đỗ trên địa bàn) phải cách ly tập trung 14 ngày, chi phí do cá nhân tự chi trả.

Riêng với Bến Tre, mặc dù là “tỉnh vùng xanh” của đồng bằng sông Cửu Long và đã áp dụng mức “bình thường mới” theo Chỉ thị 19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Ngọc Tam cũng quy định một số điều kiện về đi lại của người dân. Cụ thể, khung giờ hạn chế ra đường từ 21h hôm trước đến 4h ngày hôm sau; người dân, phương tiện giao thông đăng ký trên địa bàn tỉnh được đi lại trong tỉnh, bảo đảm 5K và dừng đỗ theo hướng dẫn của địa phương.

Đối với người từ địa phương khác vào tỉnh Bến Tre, buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong 72 giờ, khai báo y tế và cách ly theo quy định. Người ra khỏi tỉnh khi thật cần thiết, phải có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân huyện/thành phố.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng quy định, đối với bà con quê Bến Tre đang ở các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 và 16 thì phải thực hiện nghiêm chỉ đạo chung của tỉnh. Chẳng hạn, ai có nhu cầu về tỉnh thì đăng ký với Ban liên lạc đồng hương và chính quyền tỉnh sẽ phối hợp với các tỉnh/thành đón về theo kế hoạch để bảo đảm an toàn.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con