Ông Biden: Trung Quốc đối mặt phản ứng toàn cầu nếu giúp Nga
Đây là nhấn mạnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về xung đột Nga – Ukraine ngày 18/3...
Theo CNBC, cuộc điện đàm được xem là một phép thử quan trọng về việc liệu ông Biden có thể thuyết phục Bắc Kinh đứng ngoài cuộc trong cuộc xung đột ở Ukraine và từ chối yêu cầu hỗ trợ về quân sự hay kinh tế của Nga hay không.
Tại cuộc điện đàm, cả ông Biden và ông Tập đều thống nhất cần thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra do "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở nước láng giềng. Tuy nhiên, hai bên bất đồng sâu sắc về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra ở Ukraine, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho cuộc tấn công vô cớ.
Theo Nhà Trắng, trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc, ông Biden đã “mô tả những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ về vật chất cho Nga”.
Tuần trước, tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ về kinh tế và quân sự để tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.
Sau cuộc điện đàm ngày hôm qua, cả phía Mỹ và Trung Quốc đều không tiết lộ liệu ông Biden có thuyết phục được ông Tập thay đổi quan điểm về cuộc xung đột hay không. Nhà Trắng chỉ nhấn mạnh rằng mục tiêu của Tổng thống Mỹ tại cuộc điện đàm này không phải là tìm kiếm sự đảm bảo trực tiếp từ người đồng cấp Trung Quốc rằng sẽ không hỗ trợ Nga, mà là nêu rõ các lựa chọn của Bắc Kinh.
“Ông Biden đã nêu rõ rất nhiều chi tiết về sự phản ứng thống nhất, không chỉ từ các chính phủ trên khắp thế giới mà còn cả khu vực tư nhân, với cuộc tấn công của Nga ở Ukraine”, một quan chức Mỹ nói với báo giới chiều 18/3. “Ông Biden đã làm rõ rằng bên nào hỗ trợ Nga lúc này có thể sẽ đối mặt với hậu quả”.
Còn theo bản tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc đều có nghĩa vụ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine, trong đó ưu tiên cấp bách là đối thoại và đám phán, tránh gây thương vong cho dân thường, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch càng sớm càng tốt. Ông Tập cũng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo hơn nữa cho Ukraine và các quốc gia khác bị ảnh hưởng.
“Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất quan điểm rằng Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và tránh đối đầu, đồng thời cần tăng cường giao tiếp và đối thoại ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực”, bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
"Quan hệ giữa các quốc gia không thể đi tới giai đoạn đối đầu quân sự, xung đột không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Hòa bình và an ninh là kho báu quý giá nhất với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi không muốn thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói với người đồng cấp Mỹ tại cuộc điện đàm.
Trước đó, người phát ngôn chính phủ của cả Nga và Trung Quốc đều công khai phủ nhận rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây áp đặt với Nga đã khiến nước này bị cô lập và có thể buộc phải tìm kiếm hỗ trợ về tài chính cũng như quân sự.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đầu tuần này khẳng định Bắc Kinh không muốn bị “vạ lây” bởi các biện pháp trừng phạt vào Nga.
“Trung Quốc không phải là một phần của cuộc khủng hoảng này và cũng không muốn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt”, ông Vương Nghị nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày 14/3. “Trung Quốc có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Trung Quốc khẳng định tôn trọng chủ quyền của Ukraine, nhưng từ chối lên án Nga và kêu gọi giải quyết vấn đề qua đàm phán. Ông Vương Nghị đầu tháng này nhấn mạnh quan hệ khăng khít của Trung Quốc với Nga và sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào.