Ông Phạm Duy Hiếu trở lại vị trí Tổng giám đốc ABBANK
Ông Phạm Duy Hiếu đã từng được Hội đồng Quản trị ABBANK giao điều hành Ngân hàng ở vị trí Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc và đã dẫn dắt ABBANK hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh…
Ngày 10/8, Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) đã bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu vào vị trí Tổng giám đốc tại ABBANK thay bà Lê Thị Bích Phượng có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Bà Lê Thị Bích Phượng sẽ đảm nhiệm công việc khác của ABBANK do Hội đồng Quản trị giao.
Ông Phạm Duy Hiếu, sinh năm 1978, tốt nghiệp thạc sỹ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng - Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện, ông Hiếu đang đảm nhiệm vai trò thành viên Ủy ban Nhân sự, tập trung cho công tác đào tạo cán bộ quản lý và hỗ trợ triển khai “Hành trình văn hoá” của ABBANK.
Trước đây, ông Hiếu cũng đã từng được Hội đồng Quản trị ABBANK giao tham gia điều hành Ngân hàng ở vị trí Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc và đã dẫn dắt ABBANK hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do Hội đồng Quản trị giao. Hội đồng Quản trị tin tưởng ông Hiếu trở lại vị trí điều hành và sẽ cùng tập thể Ban điều hành, các đơn vị chức năng Hội sở, đơn vị kinh doanh và toàn thể cán bộ nhân viên cùng đoàn kết, hợp lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát tốt nợ xấu, nỗ lực hướng đến các mục tiêu chiến lược đã được Hội đồng Quản trị giao; tạo chuyển biến tích cực trong việc tăng cường củng cố hệ thống và tạo tiền đề thực hiện các bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tính đến hết quý 2/2023, tổng tài sản của ABBANK đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022. Cũng trong quý 2, ABBANK đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng, thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Hiện tại, ABBANK đã huy động sau 6 tháng đạt 95.754 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này đến chủ yếu từ phân khúc khách hàng cá nhân, giúp tỷ trọng huy động bán lẻ tăng từ 60% lên 70%, số lượng khách hàng cá nhân tăng 56% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá trị giao dịch mỗi tháng của khách hàng cá nhân có sự tăng trưởng bứt phá, đạt mức gần 58.000 tỷ đồng trong tháng 6/2023, tăng trưởng gần 43% so với giá trị giao dịch bình quân trong 3 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng của ABBANK tính đến hết 30/6/2023 đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 715 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK cuối quý 2/2023 đạt mức 11,37%.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,86%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù nợ xấu của ABBANK có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành nhưng các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.
Trong 6 tháng đầu năm, ABBANK đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ABBANK trong quý 2, khiến lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ghi nhận con số 638 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm.
Song song với nhiệm vụ kinh doanh, ABBANK tiếp tục tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, ABBANK cũng tích cực thực hiện các đợt cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp các gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.