Ông Powell cam kết giữ vững cuộc chiến chống lạm phát, chấp nhận “thương đau” về tăng trưởng

An Huy
Chia sẻ

“Chúng ta cần phải đẩy lùi lạm phát. Tôi ước rằng có một cách đỡ đau thương hơn để làm việc đó, nhưng chẳng có”, ông Powell nói tại họp báo...

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 21/9 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 21/9 - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/9 cam kết cùng với các đồng nghiệp tại ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới “giữ vững” cuộc chiến chống lạm phát. Trong cuộc họp kết thúc trước đó cùng ngày, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp và phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ tiếp tục được nâng mạnh trong năm nay.

Trong dự báo mới được đưa ra, Fed nhận định lãi suất cơ bản (fed funds rate) sẽ phải tăng với bước nhảy lớn hơn và lên ngưỡng cao hơn so với dự kiến trước đó; nền kinh tế sẽ giảm tốc mạnh; và thất nghiệp sẽ tăng với mức tăng vốn thường thấy trong các đợt suy thoái kinh tế trong lịch sử.

QUYẾT TÂM CHỐNG LẠM PHÁT KHÔNG LAY CHUYỂN

Ông Powell không giấu diếm gì, mà nói thẳng về “nỗi đau” sắp đến với nền kinh tế Mỹ. Ông dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và chỉ rõ rằng thị trường bất động sản - một nguồn lạm phát dai dẳng ở Mỹ - có thể sẽ cần một đợt điều chỉnh. Trước đó, số liệu từ Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho thấy doanh số bán nhà hiện có ở nước này trong tháng 8 giảm tháng thứ 7 liên tiếp.

“Nước Mỹ đã có một thị trường bất động sản sốt nóng. Đó là một sự mất cân bằng lớn”, ông Powell nói trong cuộc họp báo sau khi các thành viên Uỷ ban Thị trường Mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - nhất trí 100% với việc nâng lãi suất lên 3-3,25% từ mức 2,25-2,5% trước đó.

“Điều mà chúng ta cần là cung và cầu trong nền kinh tế cần cân xứng hơn. Có lẽ chúng ta cần thị trường bất động sản trải qua một cuộc điều chỉnh để đạt được mục tiêu đó”, ông Powell nói.

Xuyên suốt cuộc họp báo của ông Powell là chủ đề về sự mất cân đối giữa nhu cầu hàng hoá và dịch vụ ở Mỹ với khả năng của nước này trong việc sản xuất hay nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Chủ tịch Fed trong lần xuất hiện này giữ vững những luận điểm cứng rắn mà ông đã thể hiện trong bài phát biểu hồi cuối tháng 8 tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming.

Thống kê gần đây cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ gần như không có sự cải thiện nào cho dù Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Trước lần nâng lãi suất vào ngày 21/9, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp, với tổng mức tăng 2,25 điểm phần trăm. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt và tiền lương duy trì xu hướng tăng.

Dự báo mà Fed đưa ra cho thấy lãi suất sẽ tăng thêm tổng cộng 1,25 điểm phần trăm nữa trong 2 cuộc họp còn lại của Fed trong năm 2022. Điều này có nghĩa là Fed có thể có thêm một đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm nữa trong thời gian còn lại của năm.

“Uỷ ban cam kết mạnh mẽ với việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Fed dự kiến rằng việc tiếp tục tăng lãi suất là phù hợp”, tuyên bố của FOMC sau cuộc họp kéo dài 2 ngày cho biết.

Biểu đồ lãi suất Fed trong 10 năm trở lại đây.
Biểu đồ lãi suất Fed trong 10 năm trở lại đây.

Lãi suất chính sách mục tiêu của Fed hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Dự báo mới từ Fed cho thấy lãi suất sẽ tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm nay và kết thúc năm 2023 ở mức 4,5-4,75%.

Ông Powell nói rằng đường đi lãi suất dự kiến như vậy phản ánh Fed “quyết tâm mạnh mẽ” kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ông khẳng định Fed sẽ “giữ vững việc này cho tới khi hoàn thành mục tiêu” cho dù thất nghiệp có thể tăng và nền kinh tế có thể rơi vào trì trệ.

“Chúng ta cần phải đẩy lùi lạm phát. Tôi ước rằng có một cách đỡ đau thương hơn để làm việc đó, nhưng chẳng có”, ông Powell nói tại họp báo.

DỰ BÁO MỚI NHẤT CỦA FED VỀ LẠM PHÁT, THẤT NGHIỆP, TĂNG TRƯỞNG

Lạm phát ở Mỹ - dựa trên một thước đo được Fed ưa chuộng – đang ở mức cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu mà Fed đề ra. Dự báo mới của Fed cho rằng lạm phát sẽ giảm dần và đến năm 2025 sẽ về ngưỡng 2%. Điều đó có nghĩa là cuộc chiến của Fed chống lại mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1980 sẽ kéo dài và có thể đẩy nền kinh tế tới chỗ suy thoái.

 

“Fed đã chậm trễ trong việc nhận diện lạm phát, chậm trễ trong việc tăng lãi suất, và chậm trễ trong việc thắt chặt định lượng (QT). Họ đang phải đuổi bắt lạm phát, và chưa thể đạt mục tiêu”.

Trưởng phân tích tài chính của công ty Brankrate, ông Greg McBride

Fed nói rằng “những chỉ báo gần đây phản ánh tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất”, nhưng dự báo mới nhất của Fed cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ vào cuối năm nay chỉ đạt 0,2%, trước khi tăng lên mức 1,2% vào năm 2023 - những con số thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3,7%, được dự báo sẽ tăng lên 3,8% trong thời gian còn lại của năm nay và lên mức 4,4% vào năm 2023. Trong các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trước đây, tỷ lệ thất nghiệp của nước này thường tăng 0,5 điểm phần trăm.

“Fed đã chậm trễ trong việc nhận diện lạm phát, chậm trễ trong việc tăng lãi suất, và chậm trễ trong việc thắt chặt định lượng (QT). Họ đang phải đuổi bắt lạm phát, và chưa thể đạt mục tiêu”, trưởng phân tích tài chính của công ty Brankrate, ông Greg McBride, nhận định với hãng tin Reuters.

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của Fed bắt đầu từ tháng 3 năm nay, khi lãi suất còn ở mức 0-0,25%. Từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất cho vay qua đêm làm công cụ chính của chính sách tiền tệ vào năm 1990, chưa khi nào Fed nâng lãi suất quyết liệt như hiện nay.

Duy chỉ có năm 1994 là có thể so sánh với sự cứng rắn hiện nay của Fed. Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 2,25 điểm phần trăm trong năm đó và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 7/1996. Lần này, Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất và không có đợt cắt giảm nào trong năm 2023.

Thế giới đang ở trong một “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng chưa một ngân hàng trung ương lớn nào vượt được Fed. Trong cuộc họp ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ nâng lãi suất ít nhất nửa điểm phần trăm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là một ngoại lệ khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo với lãi suất âm 0,1%.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con