Pandora nâng dự báo doanh thu nhờ kim cương từ phòng thí nghiệm
Doanh thu cả năm 2023 sẽ tăng tới 5%, công ty trang sức Đan Mạch cho biết khi báo cáo thu nhập quý hai vừa qua đã vượt ước tính của các nhà phân tích. Pandora cho biết, tất cả là nhờ mở rộng doanh số bán kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm…
Sau khi báo cáo kinh doanh quý vừa qua được công bố, cổ phiếu của Pandora đã tăng tới 3,8%. Theo Pandora, nhu cầu đối với đồ trang sức kim cương nhân tạo tăng cao đã giúp công ty bán ra nhiều đồ trang sức hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới. Mặc dù đá quý nhân tạo chiếm chưa đến 1% doanh thu trong nửa đầu năm, nhưng đây là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của Pandora, trong điều kiện kênh phân phối còn hạn chế. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh số các sản phẩm kim cương nhân tạo đạt 66 triệu kroner (8,85 triệu Euro).
Nhằm phổ biến các lựa chọn thay thế rẻ hơn so với đá quý tự nhiên, Pandora sẽ bắt đầu bán kim cương tổng hợp ở thị trường Mexico, Brazil và Úc vào cuối năm nay. Công ty đã bán kim cương nhân tạo ở Mỹ, Anh và Canada với giá lên tới 4.450 USD cho một chiếc nhẫn kim cương 2 cara. Nhà kim hoàn này đã loại bỏ kim cương tự nhiên từ năm 2021 sau khi có báo cáo về các vụ vi phạm nhân quyền tại các mỏ khai thác và nhà máy, cũng như lượng khí thải carbon cao của quá trình khai thác tự nhiên.
Theo Vogue Business, đây là một bước đi đúng đắn mang lại uy tín cho thương hiệu, bởi trên thực tế kim cương thật chưa bao giờ là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Pandora. Trước khi dừng sử dụng kim cương khai thác, công ty đã bán khoảng 50.000 món đồ trang sức kim cương mỗi năm, so với tổng doanh số hàng năm là khoảng 100 triệu món.
Những viên đá quý mới của Pandora được tạo ra bằng công nghệ CVD trong đó hỗn hợp khí hydrocacbon được làm nóng đến 800 độ C, thúc đẩy các nguyên tử cacbon lắng đọng trên một viên kim cương “hạt giống”, phát triển thành từng lớp tinh thể. Với mức giá khởi điểm là 290 USD (265 Euro), những viên kim cương từ phòng thí nghiệm rẻ hơn đáng kể, phù hợp với sự tập trung của công ty vào nhóm hàng đồ trang sức giá cả phải chăng.
Pandora cũng đã sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất kim cương nhân tạo, dẫn đến lượng khí thải carbon chỉ bằng 1/20 so với kim cương khai thác được có kích thước tương tự. Pandora cũng đang thiết kế các món trang sức với kim cương trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng bạc và vàng tái chế.
Giám đốc điều hành Alexander Lacik cho biết công ty có tham vọng lớn với những viên kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm, có kế hoạch mở rộng chúng sang 20 thị trường lớn nhất của mình. Ông Lacik cho biết thông thường phải mất vài năm để một sản phẩm mới đạt 5% tổng doanh thu, và từ chối đưa ra dự báo cụ thể về thị trường đá quý tổng hợp.
Pandora hiện đang cung cấp tổng cộng khoảng 1.200 biến thể trang sức, trong đó mới chỉ có 37 sản phẩm kim cương do phòng thí nghiệm tạo ra. "Chúng tôi gặp rất nhiều khách hàng ủng hộ kim cương nhân tạo nhưng chưa lựa chọn được thiết kế ưng ý", ông Alexander Lacik chia sẻ. "Vì vậy, bước tiếp theo là chúng tôi sẽ cung cấp một phạm vi thiết kế và sản xuất rộng hơn". Theo đại diện hãng trang sức, đó có thể là một phạm vi theo thời gian sẽ gấp mười lần kích thước hiện tại của các sản phẩm kim cương nhân tạo.
Ông Lacik cho biết thị trường trang sức toàn cầu có trị giá khoảng 250 tỷ USD, trong đó kim cương tự nhiên chiếm khoảng 90 tỷ USD. “Nhiều khách hàng đến với Pandora ngày nay không phải là một phần của 90 tỷ USD đó. Đơn giản là do khủng hoảng kinh tế cần thắt chặt chi tiêu, họ không đủ khả năng chi trả cho một món trang sức từ kim cương được khai thác tự nhiên”.
Sau Pandora, Signet và Charles & Colvard - 2 nhãn hiệu trang sức danh tiếng ở Bắc Mỹ - cũng đang tích cực ra mắt hàng loạt bộ sưu tập nữ trang từ kim cương nhân tạo, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng. Don O’Connell, Chủ tịch công ty Charles & Colvard, nhận định: “Khi tư duy tiêu dùng bền vững không ngừng phổ biến, việc công chúng bắt đầu ưa chuộng kim cương nhân tạo là điều không hề bất ngờ”.
Ông Sanjay Kothari, một nhà công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kim hoàn và đồng thời là Phó chủ tịch của tập đoàn sản xuất kim cương KGK Group nói với kênh DW rằng: "Việc thiếu nguồn cung kim cương thô do các lệnh trừng phạt đổ dồn vào Nga đã khiến một số công ty đầu tư vào lĩnh vực nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm. Kim cương nhân tạo giống hệt kim cương tự nhiên về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. Chúng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương tự nhiên và cùng lấp lánh như nhau”.
Theo một báo cáo năm 2021 của Stats & Research, thị trường toàn cầu trị giá 6,6 tỷ USD cho đồ trang sức kim cương từ phòng thí nghiệm sẽ tăng trưởng 8,4% một năm, nhanh hơn mức tăng trưởng 5,6% hàng năm của thị trường kim cương khai thác. Các chuyên gia trong ngành cho biết khoảng 5 năm trước, chỉ có một số ít công ty nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm nhưng hiện nay, theo một báo cáo của Prabhudas Lilladher, số lượng này đã tăng lên rất nhiều.
Dữ liệu của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ (GJEPC) cho thấy xuất khẩu kim cương trong phòng thí nghiệm từ Ấn Độ đã tăng khoảng 70% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2022 lên 622,7 triệu USD, trong khi kim cương khai thác giảm khoảng 3% xuống còn 8,2 tỷ USD trong cùng kỳ. Theo GJEPC, quốc gia này đóng góp khoảng 15% sản lượng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu.
Theo tờ CNBC, loại đá quý nhân tạo này ngày càng thu hút một nhóm đối tượng khách hàng rất trẻ: Gen Z. Theo Tobias Kormind, đồng sáng lập của hãng bán lẻ kim cương 77 Diamonds, so với kim cương tự nhiên, loại nhân tạo không cần trải qua quá trình khai thác, do đó thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, chi phí thấp cũng là một yếu tố hấp dẫn đối tượng này.
Còn Pandora thì tin rằng kim cương nhân tạo “đại diện cho bước tiến tự nhiên kế tiếp” trong ngành kim hoàn chứ không đơn thuần là giải pháp thay thế tạm thời. “Kim cương nhân tạo giờ đây đã đạt chuẩn tinh xảo tương đồng với kim cương tự nhiên nhưng giá thành dễ chịu hơn hẳn và ít gây sức ép khí thải lên môi trường”, ông Lacik nhấn mạnh.