Phân cấp cho các tỉnh làm cao tốc, gấp gáp chạy đua xây thêm 1.300 km đến năm 2025

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Được ưu tiên dành nguồn lực lớn đầu tư cao tốc nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương gấp gáp triển khai thêm 1.300 km đường cao tốc trong vòng 3 năm tới. Trong số đó, giao các địa phương triển khai 500 km...

Từ nay đến sau năm 2025, sẽ giao cho các địa phương trọng trách xây 1.650km cao tốc đi qua địa phương.
Từ nay đến sau năm 2025, sẽ giao cho các địa phương trọng trách xây 1.650km cao tốc đi qua địa phương.

Ngày 1/6, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là các dự án, dự án thành phần tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28/07/2022 về phân cấp thực hiện các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

THÁCH THỨC HOÀN THÀNH 1.300 KM CHỈ TRONG 3 NĂM

Nhắc lại chặng đường triển khai đầu tư, xây dựng đường cao tốc của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong 20 năm qua, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến, cho biết giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc, gồm: Đà Lạt - Liên Khương dài 19 km, Láng - Hòa Lạc dài 30 km, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40 km.

Giai đoạn 10 năm tiếp theo, từ 2011 - 2020, Nghị quyết đại hội Đảng XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 13-NQ/TW xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đồng thời, xác định đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Giai đoạn này đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km. Trong đó, có 166 km đo các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản, gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận 51 km (Tiền Giang), Vân Đồn - Móng Cái 90 km (Quảng Ninh), Cao Bồ - Mai Sơn 15 km (Ninh Bình), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km.

 

“Như vậy, chỉ trong 3 năm hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc”, ông Tiến tính toán.

Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc, gồm: cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, khoảng 500 km giao cho các địa phương triển khai.

Ngoài ra, "Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó, địa phương thực hiện khoảng 400 km. Đồng thời, đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025, triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

5 KINH NGHIỆM "BỎ TÚI" ĐỂ GẤP GÁP CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết để hoàn thành được khối lượng công việc hết sức lớn trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện.

Rõ ràng, yêu cầu rất cao được đặt ra đối với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, trong đó, có một số địa phương lần đầu được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc. Bởi các đơn vị phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức quản lý dự án, thi công, vừa phải đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ rõ trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải đảm bảo một số nội dung chính yếu nhưng áp lực thời gian vô cùng khẩn trương, gấp gáp.

Thứ nhất, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa từ hai vụ trở lên qua nhiều địa phương với thời gian yêu cầu theo Nghị quyết 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Thứ hai, tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đường bộ cao tốc với quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, phải hoàn thành nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thời gian yêu cầu gấp. 

Trong khi đó, năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, ban quản lý dự án còn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư... với khối lượng lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn.

 
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.

“Trước đây, bình quân 1 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 năm. Còn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm có yêu cầu kỹ thuật cao nhưng với tư duy mới, cách làm mới, chúng ta tiết kiệm được hơn một nửa thời gian”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bày tỏ.

Thứ tư, công tác khảo sát, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) để cung cấp cho các dự án khi triển khai đồng loạt nhiều dự án, đặc biệt là các dự án được áp dụng cơ chế chỉ định thầu xây lắp… Tuy nhiên, cách hiểu về các thủ tục khi giao mỏ vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công các dự án cao tốc còn chưa thống nhất. 

Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tránh được các sai sót là hết sức cần thiết.

Căn cứ từ thực tiễn và kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng nêu bật những bài học kinh nghiệm quý báu.

Một là, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các văn bản, công điện, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các chuyến kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Hai là, sự vào cuộc, hỗ trợ rất trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ba là, sự thay đổi rất lớn trong phương thức lãnh đạo, tư duy, cách nghĩ, cách làm của Bộ Giao thông vận tải. Các bộ, ngành, địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện.

Bốn là, sự cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc của các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, ban quản lý dự án, chủ đầu tư để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.

Năm là, sự tuyên truyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con