PVN được giao nghiên cứu triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi
Để làm bước đệm phát triển thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên...
Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam”, ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tích cực xây dựng đề án chi tiết để triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, phù hợp với mục tiêu được được đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).
Trước đó, trong Thông báo số 442/TB-VPCP ngày 1/10, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với PVN để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi.
Thông báo cũng nêu rõ: "Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện Quy hoạch điện 8".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết để tạo sự liên thông và đẩy nhanh quá trình thực hiện, dự án điện gió ngoài khơi thí điểm của PVN dự kiến được triển khai ở khu vực phía Nam nhằm tận dụng lợi thế có nhiều cơ sở công nghiệp, nhà máy của PVN đang hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng yêu cầu PVN hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và những cơ quan liên quan khác để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sớm thi công dự án với mục tiêu nhanh nhất là phát điện trước năm 2030.
“Ngoài sự nỗ lực của PVN và các cơ quan liên quan, thì cũng cần đến sự hợp tác của các đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ cho dự án thí điểm này của PVN trong tất cả các công đoạn, từ khảo sát đến thiết kế, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, lựa chọn công nghệ cũng như hỗ trợ tài chính”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề xuất.
Trả lời Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tại sự kiện, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia với tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn khi có tài nguyên gió mạnh và có nền móng địa chất vững chắc, phù hợp xây dựng các trụ gió ngoài khơi.
"Là một phần của cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Na Uy cũng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn lên đến 250 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo và quản lý rác thải của Việt Nam”, Đại sứ Solbakken cho biết thêm.
Ngoài ra, các chuyên gia Na Uy phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng khung quy hoạch không gian biển, vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6. "Bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị triển khai các dự án thí điểm ở Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hải Phòng”, bà Solbakken thông tin.
Song song với triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng nêu lên nhu cầu cần thiết xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển chuỗi công nghiệp điện gió ngoài khơi.
“Một khi có dự án thí điểm, chúng ta có thể xác định được những cấu phần cụ thể, như chính sách thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp hay các chính sách ưu đãi...”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan này hiện đã nhận được đến 9 đề xuất tham gia xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam của các tập đoàn năng lượng lớn, như CIP (Đan Mạch), BP, Corrio (Anh), Petronas (Malaysia),...
“Chúng ta có thể đạt được công suất 6.000 MW đã nêu ra trong Quy hoạch điện 8, khi có sự cạnh tranh khá lớn với 9 nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhận định, đồng thời cho biết Việt Nam dự kiến sẽ thông qua bản sửa đổi Quy hoạch điện 8 vào giữa năm 2025. Và hy vọng, trước khi bản quy hoạch được thông qua, cả 6.000 MW sẽ được phân bổ hết cho các nhà đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là một “tín hiệu chính sách” lớn, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường điện gió Việt Nam.