Quan điểm Ngân hàng Nhà nước ra sao trước 17 kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản?
Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: năm 2023, ngành ngân hàng tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực của đại đa số người dân. Kiên định kiểm soát rủi ro tín dụng với phân phúc cao cấp đang dư thừa, không có nhu cầu thực, đầu cơ, lũng đoạn thị trường…
Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản sáng 8/2, có hơn 20 doanh nghiệp bất động sản lớn và các hiệp hội đã có 17 kiến nghị tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Những kiến nghị này tập trung vào các vấn đề như: làm rõ, bổ sung các quy định về mục đích vay vốn; các quy định về hình thức giải ngân; tính toán chi tiết cơ cấu dư nợ bất động sản để kiểm soát bất động sản cho kinh doanh hay người mua; giãn, hoãn nợ từ 24 đến 36 tháng; đồng thời, giữ nguyên nhóm nợ; không nên phân biệt hệ số rủi ro; tỷ lệ tài sản đảm bảo không nên cao hơn các lĩnh vực khác; cần có hướng dẫn tín dụng riêng đối với phát triển khu đô thị; xây dựng cơ chế vốn cho nhà ở xã hội; có cơ chế chính sách riêng cho phát triển bất động sản khu công nghiệp; có thông tư hướng dẫn về vay nợ nước ngoài; thời hạn cho vay dài hơn thời gian thực hiện dự án; phối hợp với Bộ Tài chính xử lý khó khăn vướng mắc vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp; ,miễn giảm các loại phí; sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cho phép cơ cấu lại các khoản vay; nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ năm 2013…
RÀ SOÁT KỸ TÌNH TRẠNG TẬP TRUNG TÍN DỤNG VÀO MỘT SỐ KHÁCH HÀNG LỚN
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin rằng dù 3 năm qua nền kinh tế rất khó khăn nhưng tăng trưởng tín dụng bất động sản vẫn tăng, không giảm, đây là cố gắng của ngành ngân hàng… Bởi vì, ngoài bất động sản, hệ thống ngân hàng cũng cần phải cung ứng vốn cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực ưu tiên theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Lý giải về nguyên nhân vì sao Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, Thống đốc cho biết đây không phải là rủi ro của lĩnh vực thuần túy mà là rủi ro chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống. Có thể dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Các ngân hàng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân ở mọi thời điểm.
"Năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn những năm trước. Năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%".
Ngân hàng Nhà nước.
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất… Đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế trong đó có nhu cầu chính đáng của người dân vay mua nhà ở… Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả thi, có pháp lý rõ ràng, minh bạch, sớm đi vào hoàn thành sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ… Nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ….
Thống đốc yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối giữa ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bất động sản và các ngành liên quan để cùng rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang cấp tín dụng…có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án… Nếu ngân hàng từ chối cho vay thì nói rõ lý do từ chối.
Xem xét cấp tín dụng cho các kiện nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Đặc biệt, Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát mức độ tập trung tín dụng vào các khách hàng lớn, các nhóm khách hàng lớn, các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của tổ chức tín dụng… để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng vào các doanh nghiệp, dự án sân sau…
5 ĐỀ XUẤT CỦA THỐNG ĐỐC VỚI CÁC DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nêu 5 đề xuất và đề nghị các doanh nghiệp bất động sản lưu tâm.
Thứ nhất, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung nên khi các yếu tố vĩ mô, tiền tệ có rủi ro, mất ổn định thì các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô. Đôi khi, những chính sách này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bởi vậy, ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn phải có bộ phận thường xuyên theo dõi diễn biến của kinh tế vĩ mô. Họ phải có đánh giá, dự báo về tình hình thế giới, trong nước và xu hướng chính sách của chính phủ…để chủ động điều chỉnh các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được như vậy thì sẽ hạn chế được rủi ro, tránh tình trạng bị động trong sản xuất kinh doanh.
“Tôi được biết có doanh nghiệp bất động sản triển khai cùng một lúc trên 50 dự án. Tôi cũng không hiểu là đồng thời triển khai hàng chục dự án thì khi khó khăn, doanh nghiệp có chủ động được hay không? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho tất cả các dự án đó? Cho nên khi xây dựng kế hoạch kinh doanh thì các doanh nghiệp cũng cần thận trọng”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Thứ hai, Thống đốc mong các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng phải hết sức chú trọng đến quản trị dòng tiền, đặc biệt là doanh nghiệp có hệ số đòn bảy tài chính cao… Có thể các doanh nghiệp bất động sản có rất nhiều dự án, rất nhiều tài sản lớn nhưng chỉ một thời khắc cần tiền thì cũng không thể bán ngay tài sản để có thanh khoản. Bán dự án bất động sản không dễ… Nó không chỉ phụ thuộc vào người mua mà còn có những quy trình pháp lý phức tạp… Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có sự bài bản trong quản trị dòng tiền.
Thứ ba, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, cân đối mức doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn vốn khác giảm lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Thứ năm, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà giá rẻ… phù hợp với nhu cầu của đại đa số nhân dân.
"Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 05 năm qua), tỷ lệ nợ xấu là 1,81%".
Ngân hàng Nhà nước.