Quý IV/2021: TP.HCM cần khoảng 44.000 đến 57.000 lao động
Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động từ nay đến cuối năm, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, TP.HCM được cho biết sẽ cần khoảng 44.000 đến 57.000 lao động cho các ngành, nghề…
Một số lượng lớn lao động rời các đô thị tập trung lực lượng lao động trở về quê tránh dịch, đã tạo nên áp lực cho thị trường lao động, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó đặc biệt là TP.HCM.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG CAO, DOANH NGHIỆP CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), trong quý IV/2021, TP.HCM cần khoảng 44.000 - 57.000 lao động.
Tại cuộc họp báo mới đây nhằm cung cấp thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM (HCDC), ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo thông tin: Trong 3 ngày (tính từ ngày 01/10 – PV) đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký tái hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục khai trương, mở cửa trở lại.
Ông cũng cho biết thêm, từ trước ngày 01/10, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM có 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc theo phương thức “3 tại chỗ”, hoặc “Một cung đường, hai điểm đến”. Song sau thời điểm này, số lao động “3 tại chỗ” đang giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động “3 tại chỗ” giảm này đã được chuyển thành lao động theo phương thức như bình thường.
Theo Sở Lao đông – Thương binh – Xã hội TP.HCM, trong quý IV/2021, TP.HCM dự kiến có hơn 42.000 người có nhu cầu tìm việc làm; trong khi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 43.600 - 56.600 người. Để kết nối lao động, theo Phó giám đốc Sở này, ông Nguyễn Văn Lâm, thì “Đối với người lao động đã về quê, các doanh nghiệp đã nhắn tin đến điện thoại mời họ trở lại TP.HCM tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc tuân thủ theo bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp, việc tiêm phòng ra sao, test thế nào thì đã có tiêu chí cụ thể để áp dụng”.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc FALMI nhận định: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh của Chính phủ và chính quyền TP.HCM đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động.
“Những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực trong quý IV/2021 tại TP.HCM dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội”, ông Vân nói.
Theo số liệu thống kê của FALMI, xu hướng tuyển dụng từ nay đến cuối năm tập trung ở các nhóm nghề kinh doanh - thương mại, với 10.000 - 13.000 chỗ làm việc (chiếm 23%); dịch vụ phục vụ cá nhân, nhân viên bảo vệ, với 5.000 - 6.500 chỗ làm việc (chiếm 12%); công nghệ thông tin cần khoảng 4.300 chỗ làm việc (chiếm 7,5%); cơ khí - tự động hóa cần khoảng 2.800 chỗ làm việc (chiếm 5%); ngành logistics cần khoảng 2.700 chỗ làm việc, chiếm gần 5%; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng cần khoảng 2.400 chỗ làm việc, chiếm hơn 4%; du lịch - nhà hàng - khách sạn cần khoảng 2.300 chỗ làm việc tỷ lệ 4%,…
BĂN KHOĂN CUNG KHÔNG ĐÁP ỨNG CẦU?
Hàng ngàn ca Covid-19 mỗi ngày tại TP.HCM (cùng một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai) trong gần hai tháng qua, cùng với việc thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đã tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, tâm lý hoang mang, muốn tránh những vùng đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc về quê.
Rồi liên tiếp những ngày đầu tháng 10 đến nay, hàng ngàn, hàng chục ngàn người lao động đã rời bỏ TP.HCM về quê miền Tây và các tỉnh/thành khác, đã tạo áp lực rất lớn, không chỉ lên các địa phương ấy mà là áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực cho TP.HCM.
Nhận định về thực trạng này, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết: Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch. Nhất là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công, sử dụng nhiều lao động, như ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử,…
Theo ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì, trong dòng người về quê những ngày vừa qua, có rất nhiều lao động của ngành dệt may. Họ phải nghỉ việc/giãn việc, không đủ khả năng trụ lại được trong các xóm trọ. Các doanh nghiệp dệt may hiện đã kín đơn hàng đến quý IV/2021 và đầu năm 2022 nhưng lo ngại khi sản xuất phục hồi chỉ có thể gọi lại được khoảng 60% lao động đã về quê, làm chậm tiến độ giao hàng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.
Trước đó, trong báo cáo thị trường lao động 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2021, FALMI từng đưa ra hai phương án/kịch bản cho thị trường lao động TP.HCM. Ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc. Xu hướng việc làm trong những tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin - điện tử, dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế, dệt may - da giày.
Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu nhân lực có thể lên đến 60.000 lao động, do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ việc mua sắm của người dân dịp lễ, Tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử.
Đến nay, đã có khoảng gần 40.000 người lao động từ TP.HCM trở về quê. Theo ông Phạm Đức Hải, từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18, chính quyền Thành phố đã động viên bà con, người lao động tiếp tục ở lại làm việc Ông nói: “Thành phố trân trọng mời bà con ở lại tiếp tục đóng góp thêm cho thành phố. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện, vận động nhà trọ giảm giá thuê, hỗ trợ đợt 3, tiếp tục có gói an sinh... cho người lao động”.