Rà soát dự thảo Luật Dầu khí để thêm cơ chế ưu đãi, hút đầu tư vào ngành dầu khí
Nhiều đại biểu Quốc hội tán đồng và dành nhiều sự quan tâm về các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí. Đây được coi là một điểm bước tiến mới trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhờ đó, đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện khai thác dầu trong giai đoạn tới rất khó khăn...
Chiều ngày 25/10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
KHÔNG ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ TRUNG VÀ HẠ NGUỒN
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự án được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều, trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều.
Giải trình về các vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết về tên gọi dự thảo “Luật Dầu khí” được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan và trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc.
Hiện các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn diễn ra sau giai đoạn sản xuất ban đầu, bao gồm vận chuyển và xử lý chế biến dầu khí thành xăng, diesel và các nhiên liệu khác hiện nay đang được điều chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 42 về nội dung này.
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và các nội dung đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong đó, tập trung vào các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như phạm vi, đối tượng điều chỉnh áp dụng luật, chính sách của Nhà nước và dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí, chính sách khai thác tận thu, điều tra cơ bản về dầu khí, lựa chọn nhà thầu về dầu khí, ký kết hợp đồng dầu khí, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động dầu khí, quy định chuyển tiếp.
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI LÀ ĐIỂM ĐỘT PHÁ TRONG DỰ THẢO
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.
Cũng theo ông Hùng, thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
"Đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam", đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận.
Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, đại biểu Hùng cho rằng cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.
Đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.
Cụ thể, đại biểu cho rằng việc sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ thuế suất tối thiểu từ 25 - 50% là hợp lý.
"Nếu được, cần đưa ngay vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với hợp đồng dầu khí, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư thì thuế suất là 33%; đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất 25%; đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1, giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25 - 50%, hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình", ông Giang nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32 - 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn.
Đề xuất góp ý vào những điều cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể, có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí. Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể, việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù.
Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung của Điều 12 của dự thảo luật để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót.
Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn, cho biết chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54.
Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.