Sản xuất và tiêu thụ thép tăng trưởng nhờ “lực kéo” từ đầu năm
Trong 10 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt hơn 27,7 triệu tấn; tiêu thụ đạt gần 24,6 triệu tấn. Về nguyên liệu, trong khi giá than mỡ luyện cốc đầu tháng 11/2021 tăng 4,75 USD/tấn, thì giá quặng sắt giảm mạnh khoảng 31,25 USD/tấn so với đầu tháng 10/2021…
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về hình thị trường thép Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2021.
Theo đó, trong tháng 10/2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,87 triệu, tăng 19,36% so với tháng 9/2021 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27,7 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tiêu thụ thép các loại, trong tháng 10/2021 đạt 2,67 triệu tấn, tăng 20,55% so với tháng trước và tăng 36,4% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, tiêu thụ thép các loại đạt gần 24,6 triệu tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của VSA, tính chung 10 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.
Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 9/2021 đạt 1,356 triệu tấn, giảm 11,74% so với tháng trước nhưng tăng 30,71% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,404 tỷ USD tăng hơn 1,58 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Từ chiều ngược lại, trong tháng 9/2021 nhập khẩu thép về Việt Nam đạt xấp xỉ 814 nghìn tấn với kim ngạch khoảng 934 triệu USD, giảm 3,23% về lượng nhưng tương đương trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 19,55% về lượng nhưng tăng 48,2% về giá trị.
Tính chung 9 tháng năm 2021, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 9,68 triệu tấn với trị giá hơn 8,67 tỷ USD, giảm 5,93% về lượng nhưng tăng 43,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cập nhật về tình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, VSA cho biết giá quặng sắt ngày 8/11/2021 giao dịch ở mức 93,6-94,1 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm mạnh khoảng 31,25 USD/tấn so với thời điểm 8/10/2021.
Mức giá này giảm khoảng 118 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận đầu tháng 5/2021 (xấp xỉ 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/11/2021 giao dịch ở mức khoảng 337,25 USD/tấn FOB, tăng 4,75 USD so với đầu tháng 10/2021.
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 3/11/2021. Mức giá này tăng 14 USD/tấn so với đầu tháng 10/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu ổn định, trong khi Đông Á có xu hướng giảm.
Giá điện cực than chì (GE) của Trung Quốc đã tăng 3.500 – 4.000 NDT/tấn (tương đương 549 – 627 USD/tấn) so với tháng trước do giá than cốc tăng.
Giá cuộn cán nóng HRC ngày 8/11/2021 ở mức 815 USD/T, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 45 USD/Tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 10/2021.
Theo nhận định của VSA, mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, nhưng nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa…), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
Do đó, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới và nội địa.