“Sứ mệnh của VinFuture đã chạm vào trái tim con người”
Nói về hành trình đến với VinFuture, Giáo sư Albert P. Pisano, (Đại học California, San Diego, Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture chia sẻ về lần đầu ông nghe tới VinFuture là khi ông đang ăn tối và nghe mọi người nói về một giải thưởng đến từ Việt Nam.
“Hiếm thấy một giải thưởng nào có thể ghi nhận công sức của các nhà khoa học từ khâu lên ý tưởng đến hiện thực hóa, trở thành các công trình có thể tác động tới hàng triệu người như VinFuture”, GS Albert P. Pisano chia sẻ tại buổi Giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng, Hội đồng sơ khảo VinFuture diễn ra sáng 18/1/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz, Hà Nội.
GIẢI THƯỞNG “VÌ CỘNG ĐỒNG”
Nói về hành trình đến với VinFuture, Giáo sư Albert P. Pisano, (Đại học California, San Diego, Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture chia sẻ về lần đầu ông nghe tới VinFuture là khi ông đang ăn tối và nghe mọi người nói về một giải thưởng đến từ Việt Nam. “Suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là hiếm thấy một giải thưởng nào có thể ghi nhận công sức của các nhà khoa học từ khâu lên ý tưởng đến hiện thực hóa, trở thành các công trình có thể tác động tới hàng triệu người”, GS Pisano nói.
Cũng chính bởi ý nghĩa ấy, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture vẫn nhớ cảm giác “phấn khích” khi biết đến VinFuture. Còn với GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ), Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, ngoài vui mừng còn là sự tự hào. “Với tôi, đây không chỉ là giải thưởng của một quỹ mà của người Việt, đại diện cho Việt Nam”, bà nói.
Điều thuyết phục GS Quyên là bà hiểu, công nghệ trên thế giới không thực sự tạo nên thay đổi cho những người nông dân, những người lao động nghèo. Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam - nơi 16 năm trời không có điện, bà thấu hiểu thực tế hơn ai hết. Bởi thế, điều vị nữ GS muốn là đóng góp vào một phát kiến khoa học thể tiếp cận được số đông, đặc biệt là người nghèo.
Bà Quyên cũng không giấu được hạnh phúc khi có tới gần 600 đề cử tham gia giải thưởng. “Sứ mệnh của giải thưởng đã chạm tới trái tim của nhiều người. Đã có nhiều ứng viên từ các đại lục khác nhau”, bà nói.
Riêng về chất lượng, GS Richard Friend khẳng định chắc chắn “quá tuyệt vời”. Theo vị Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chất lượng các đề cử thậm chí vượt khỏi tiêu chí mà giải thưởng đặt ra.
“KHÔNG GÕ CỬA SẼ KHÔNG CÓ CÁNH CỬA NÀO MỞ RA”
Bên cạnh hành trình đến với VinFuture, một phần nhận được nhiều mong chờ là câu chuyện về con đường đến với đỉnh cao khoa học của chính những vị “giám khảo” danh tiếng của VinFuture.
Hành trình của các vị giáo sư, một cách trùng hợp đều bắt đầu từ điều đơn giản nhất là “tò mò”. Đó là cô gái Nguyễn Thục Quyên từng yêu thích văn học, lịch sử nhưng năm 25 tuổi, khi được học những bài học về tương tác vật lí với một vị giáo sư, vị nữ GS nhận ra đó là điều mình sẽ theo đuổi.
Hay, GS Albert P. Pisano khi bất ngờ bắt gặp một người họ hàng trong gia đình tự tay làm nên những ly, cốc với nhiều rất nhiều lớp vật liệu khác nhau. Tất cả đã khơi dậy sự tò mò và đó là bước chân đầu tiên đến với khoa học. Nói như tổng kết của GS Nguyễn Thục Quyên, mục tiêu của khoa học suy cho cùng là tò mò, khám phá, đó là mục tiêu tối thượng và cũng là hành trình để theo đuổi.
Trong con đường nghiên cứu, GS Đặng Văn Chí, Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể bước ngoặt của bản thân khi “đặt ra câu hỏi chưa từng đặt”. Những câu hỏi này có thể ban đầu sẽ bị nghi ngờ, thậm chí nhiều câu hỏi sai nhưng quan trọng theo ông là “trong nhiều câu hỏi sai sẽ có câu hỏi đúng”.
Góp thêm ý kiến, với GS Quyên, cái đẹp của khoa học bắt nguồn từ chính việc vượt ra khỏi vùng an toàn, để tự do và dũng cảm theo đuổi, bước vào vùng mới. “Nếu ta không gõ cửa, sẽ không có cảnh cửa nào mở ra cả. Không ai ngăn chúng ta ước mơ và vươn tới ước mơ ngoài chính chúng ta”, bà chiêm nghiệm.
Đư ra lời khuyên với các nhà khoa học trẻ, GS Richard Friend cho rằng, cần có diễn đàn để cùng khám phá, tạo nên văn hoá “Can do - Tôi có thể làm được”. “Nhân tài cần được truyền cảm hứng, trao quyền và không ngừng tìm hiểu”, ông nói.
Trong khi đó, GS Albert P. Pisano liên hệ với VinFuture và cho rằng giải thưởng là một bài học quý với tất cả mọi người để các nhà khoa học phát huy năng lực, biết dành tình cảm cho con người và tự tin trên con đường đã chọn.
Cũng nói về truyền cảm hứng nhưng GS Richard Henry Friend đặt ra câu hỏi: Làm sao để những người trẻ không bị phán xét khi bước đi trên những con đường khác biệt họ lựa chọn. Điều quan trọng theo ông là cần xây dựng văn hóa tôn trọng trong giáo dục và đào tạo, để khuyến khích sinh viên tự do đi theo định hướng, có thể lệch chuẩn nhưng thành công. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi có mặt tại chuỗi trong Tuần lễ Khoa học VinFuture.
“Đây là sự kiện có một không hai, góp phần tác động tích cực tới Việt Nam và cả thế giới”, vị GS nhận định.
Tiếp nối sự kiện ngày 18/1, Tuần lễ khoa học VinFuture sẽ có 3 hoạt động chính trong các ngày tiếp theo:
Ngày 19/1: Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”
Ngày 20/1: Vào 20h10, Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất sẽ chính thức diễn ra và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế
Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture
Để đảm bảo an toàn cho sự kiện tầm cỡ thế giới, Ban tổ chức đã có phương án kiểm soát và xét nghiệm Covid-19 cho các khách mời tham gia theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất.