Tăng cường liên kết để thúc đẩy thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ

Việt An
Chia sẻ

Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, đồng thời là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của vùng cần phải giải quyết một số thách thức, như ngành công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý…

Với vị trí thuận lợi, vùng Đông Nam Bộ là một trong những trung tâm phát triển ngành thương mại, xuất nhập khẩu của cả nước.
Với vị trí thuận lợi, vùng Đông Nam Bộ là một trong những trung tâm phát triển ngành thương mại, xuất nhập khẩu của cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh thành là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh 

Nhờ vào vị trí thuận lợi, tiếp giáp với các khu vực giàu tài nguyên ở Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên; phía Tây và Tây Nam giáp với vùng đồng bằng sông Cửu long, “vựa lúa” lớn nhất của cả nước; về phía Đông giáp với biển và về phía Tây Bắc  giáp với Campuchia. Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế phát triển đa dạng các ngành kinh tế, dịch vụ và là cửa ngõ giao thương quan trọng ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

MỘT TRONG NHỮNG ĐẦU TÀU KINH TẾ CỦA CẢ NƯỚC 

Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)…

Tuy nhiên, tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào ngày 31/7, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết khu vực này vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết.

Theo đó, có một số thách thức đáng chú ý như đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế rất nhiều...; công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý…

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TẠO CHUỖI LIÊN KẾT

Cũng tại hội nghị, ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, cho biết trong thời gian qua, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ,…

Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Hiện có một số đơn vị ở tỉnh muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.

Thông tin thêm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay cơ sở hạ tầng logistic, kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lưu trữ, vận chuyển sản phẩm, đặc biệt là với ngành lương thực, thực phẩm.

“Tình trạng này làm giảm giá trị sản phẩm, làm phức tạp quá trình vận chuyển, lưu trữ. Chúng tôi thấy Chính phủ và các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực này với tính chất quốc sách chung từ Trung ương tới địa phương”, bà Chi nêu thực tế và cho rằng nếu không có chính sách mà để doanh nghiệp tự thân vận động thì sẽ không thể làm được.

Đồng quan điểm, bà  Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội logistics Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc đầu tư cơ sở hạ tầng logistic vẫn chưa được bài bản, cần sự hỗ trợ lớn hơn của chính phủ trong việc xây dựng các trung tâm logistic do doanh nghiệp không đủ nguồn lực. 

Bà Phương thông tin thêm, hiện tại chi phí logistic của Việt Nam đang rất cao. Theo đó, chi phí logistic tại các nước trong khu vực đang ở mức 12%, trong khi tại Việt Nam là 18% tổng chi phí. 

Trong khi đó, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, đánh giá có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

“Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi là do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường nhất là thị trường nước ngoài”, bà Duyên chia sẻ.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG THÚC ĐẨY XUẤT NHẬP KHẨU

Để phát huy vị trí, vai trò của vùng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng cần phải có hàng loạt các giải pháp, trong đó, các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; phát huy tối đa các nguồn lực...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết.

“Để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đề nghị các cơ quan, tổ chức trong vùng Đông Nam bộ khi có bất cứ kế hoạch hoặc chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia, quốc tế lớn nào đều cần thông báo và có sự tham gia phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương.

Từ hoạt động hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho 6 vùng, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở thị trường nước ngoài theo quy mô vùng cho 6 vùng kinh tế, nhằm quảng bá, góp phần xây dựng thương hiệu các nhóm sản phẩm chủ lực, thu hút đầu tư chung cho cả vùng. 

Ông Phú cho biết chương trình này sẽ bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2025 và đề nghị các địa phương trong vùng ủng hộ và hưởng ứng tham gia.

Để xúc tiến thương mại thực chất và hiệu quả hơn, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, các địa phương trong vùng cần có sự liên kết sâu, cùng ngồi lại để tìm ra những sản phẩm lợi thế nhất của địa phương mình để tập trung cho công tác xúc tiến. 

Chẳng hạn như trong vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước có thế mạnh nổi trội về vùng nguyên liệu và chiếm chỉ số xuất khẩu cao đối với cà phê, hạt điều; vùng Đông Nam Bộ cũng là đầu não trung tâm cả nước về logistics… Do đó, các địa phương, hiệp hội trong vùng cần có những đề xuất cụ thể về thế mạnh xúc tiến thương mại để trao đổi cùng Bộ Công Thương. 

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của vùng Đông Nam Bộ dù đã làm tốt các công tác kết nối giao thương nhưng cần tiếp tục sâu sát hơn để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp phát triển hơn nữa, nắm được thông tin về các hiệp định thương mại tự do, các vấn đề phòng vệ thương mại, thị trường nước ngoài, xu hướng vận động của thị trường thế giới. 

Với doanh nghiệp cần nghiên cứu để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín trong toàn bộ chu trình hệ thống kinh doanh.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con