Tập đoàn Điện lực vay thêm 2.400 tỷ từ ngân hàng trong nước
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa ký hợp đồng tín dụng tài trợ trị giá 2.400 tỷ đồng cho dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng...
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban QLDA Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% vốn đối ứng của EVN và 70% còn lại được thu xếp từ nguồn vay tín dụng từ Ngân hàng Agribank và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Khoản tín dụng tài trợ từ Ngân hàng Agribank cho dự án Thủy điện Ialy mở rộng trị giá 2400 tỷ đồng với thời hạn vay tối đa là 168 tháng. Trước đó, vào giữa năm 2021, EVN và AFD cũng đã ký kết khoản vay tín dụng ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro (tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng).
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN, qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Trung.
Trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và tình trạng giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng rất cao so với thời điểm dự thầu nhưng với sự nỗ lực rất cao của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và giám sát trên công trường, dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng vẫn cơ bản đảm bảo tiến độ, thậm chí nhiều hạng mục vượt tiến độ từ 1 đến 3 tháng so với kế hoạch được duyệt.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban QLDA Điện 2 phối hợp liên danh nhà thầu tiếp tục tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị phục vụ thi công với yêu cầu đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe – an toàn – môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội trong quá trình triển khai xây dựng dự án.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại các hiệu quả như sau: tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh họat trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 233,2 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hoá thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra khi đưa vào vận hành, dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của EVN, mới đây trong báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi tháng 1, tập đoàn này cho biết năm ngoái, công ty mẹ và các đơn vị thành viên ước tính lỗ trên 28.800 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó nhờ tiết giảm chi phí.
Năm nay, công ty mẹ - EVN và các doanh nghiệp thành viên khả năng lỗ sản xuất kinh doanh hơn 64.940 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện bình quân vẫn như hiện nay.
Giá bán lẻ điện bình quân - cơ sở tính toán giá bán lẻ điện tới người tiêu dùng - đang ở mức 1.864,44 đồng một kWh, và giữ từ tháng 3/2019 đến nay. Tức gần 4 năm giá này chưa thay đổi. Theo EVN đây là yếu tố khiến EVN không đảm bảo cân đối tài chính.
Như vậy, số lỗ luỹ kế hai năm 2022-2023 của EVN dự kiến trên 93.000 tỷ đồng.