Tập trung ứng phó với siêu bão, đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn

Chu Khôi
Chia sẻ

Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng 5/9/2024, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Đến chiều 5/9, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 và trở thành siêu bão mạnh nhất thế giới trong năm nay…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi.

Chiều 5/9/2024, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3).

Tại điểm cầu chính ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 16 đơn vị tham gia họp, trong đó có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải... Cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của 28 tỉnh, thành phố; trong đó 12 chủ tịch UBND tỉnh và và 16 phó chủ tịch UBND tỉnh đã tham gia họp trực tuyến tại các đầu cầu.

BÃO ĐÃ TĂNG CẤP THÀNH “SIÊU BÃO”

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày hôm nay (5/9), Thủ tướng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao". 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao". 

Sau khi nghe lãnh đạo các Bộ, các tỉnh trình bày kế hoạch ứng phó bão, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bão số 3 khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân. Cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao. Không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.

Nhấn mạnh sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan, Phó Thủ tướng yêu cầu các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm. “Hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Bởi khi ấy, tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết chiều 5/9/2024, bão số 3 ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Theo ông Khiêm, các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Các chuyên gia dự báo của cơ quan khí tượng Trung Quốc đánh giá, bão số 3 đạt cấp siêu bão và sẽ đi qua khu vực giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vào Vịnh Bắc Bộ trong sáng 7/9. Bão sẽ gây mưa to và gió mạnh cho khu vực Vịnh Bắc Bộ, khoảng 250-300mm và gió vùng ven biển có thể đạt cấp 10-13.

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá, bão số 3 dự kiến sẽ có cường độ gió cuối cấp 12 ngay trước khi đổ bộ vào gần Việt Nam. Mặc dù, tốc độ gió bão được dự báo sẽ giảm nhanh sau đổ bộ nhưng hoàn lưu bão số 3 có thể gây mưa rất lớn trên diện rộng, ngay cả khi nếu tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.

Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9, trên khu vực phía Tây Bắc bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.

CÁC BỘ, CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỒNG LOẠT LÊN KẾ HOẠCH CHỐNG BÃO

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho hay từ ngày 6/9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển. Riêng Ninh Bình cấm biển từ hôm nay (5/9). Hiện 3 hồ thuỷ điện lớn ở miền Bắc gồm hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang đang cho xả đáy để ứng phó bão.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết tùy thuộc vào diễn biến của bão số 3, ngành giao thông sẽ có phương án cụ thể chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công. Một số tàu tại Hải Phòng và Thái Bình có liên quan đến việc xét xử tại tòa án. Việc di chuyển những tàu này bị vướng. Do đó, Bộ đang làm việc chặt chẽ để có thể đảm bảo an toàn cho người dân.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đặc biệt lưu tâm đến ngành hàng không, và cho biết sẽ cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, cũng như kịp thời nối tuyến ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.

Ảnh vệ tinh chụp siêu bão Yagi ngày 5/9/2024.
Ảnh vệ tinh chụp siêu bão Yagi ngày 5/9/2024.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thông tin, tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ.

Theo Lãnh đạo tỉnh Thái Bình, tỉnh dự kiến sẽ cấm biển từ 5 giờ sáng 6/9. Về các cơ sở nuôi trồng thủy sản, có 1.179 chòi canh và 1.128 lồng nuôi trồng thủy hải sản. Thái Bình dự kiến sẽ di dời toàn bộ lao động tại các địa điểm có nguy cơ tới nơi an toàn trước 18 giờ ngày 6/9.

 

"Ngày 6/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão Yagi tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh… Bộ sẽ cùng các địa phương chuẩn bị công tác ứng phó, nắm bắt để sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ khi cần thiết”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng cho hay: "Đặc thù của Hải Phòng là có nhiều kho bãi chứa container. Do đó, thành phố đã rà soát, kiểm tra các kho bãi ở những khu cảng thuộc quận Ngô Quyền, Hải An, yêu cầu chủ hàng hạ thấp độ cao, tránh việc container bị đổ, gây mất an toàn".

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết tỉnh với đặc thù có địa hình chia cắt, nếu xảy ra mưa lũ, các vùng thấp, trũng thường bị dồn nước. Cao Bằng sắp tổ chức Hội nghị quốc tế Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nếu bị ảnh hưởng của bão sẽ rất lo lắng.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin: “Các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đang tích cực cắt, tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ gãy, đổ trong thời gian bảo đổ bộ vào thành phố. Hệ thống kênh, mương, cũng như các sông khu vực ngoại thành được yêu cầu nạo vét, lưu thông dòng chảy, giúp tiêu úng kịp thời”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau 10 năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão rất lớn. Do đó, phải khẩn trương vào cuộc để chuẩn bị tốt các biện pháp nhằm tránh tổn thất các hạ tầng sản xuất và các vùng trọng điểm. Tại các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân.

Bộ trưởng đề nghị, riêng tỉnh Quảng Ninh, vùng khai thác than hầm lò nhiều, dễ bị tác động của bão, vì vậy tỉnh làm tất cả những việc có thể làm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ở kịch bản xấu hơn, bố trí đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con