TCBS: Lạm phát kiểm soát tốt, thanh khoản ngân hàng dồi dào, nhưng lãi suất khó giảm thêm nhiều
Lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể, khoảng 35 điểm, trong khi lãi suất USD thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng, nên chênh lệch đang thu hẹp, làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng, có thể hạn chế luồng ngoại tệ vào Việt Nam...
Chứng khoán Techcombank vừa có báo cáo triển vọng vĩ mô toàn cầu và Việt Nam trong đó nhấn mạnh Fed vẫn có thể tăng lãi suất lên 5,75% trước khi giảm xuống vào năm 2024.
Lãi suất mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trở nên khó lường sau khi số liệu kinh tế tháng 1 tại Mỹ tốt hơn dự báo. Thời điểm cuối 2022 lạm phát của Mỹ giảm mạnh, thị trường kỳ vọng Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất 4,75-5,00%.
Song số liệu vĩ mô tháng 1 nước này gây bất ngờ: Số việc làm mới phi nông nghiệp (NFP) đạt 517 ngàn (kỳ vọng chỉ ở mức 187 ngàn); Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% - mức thấp kỷ lục trong 54 năm qua. Kinh tế và thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh dẫn đến kỳ vọng lạm phát khó giảm nhanh.
"Bởi vậy, Fed có thể tăng lãi suất lên 5.50-5.75% và ổn định ở mức này trước khi giảm xuống vào cuối năm nay hoặc trong 2024", TCBS kỳ vọng.
Ở trong nước, nền tảng vĩ mô vẫn đang duy trì được sự ổn định và thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam vững hơn so với năm 2022. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát tốt, do giá xăng dầu và giá thuê nhà ít khả năng tăng đột biến như năm ngoái, kinh nghiệm điều hành của Việt Nam đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như điện, nước, y tế, giáo dục...) sẽ giúp đạt được mức CPI bình quân chỉ tăng 3,8-4,0% trong năm 2023.
Nền tảng vĩ mô ổn định còn thể hiện ở tăng trưởng bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tốt, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), cũng như tín hiệu tích cực từ chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 51,2, sau 3 tháng liên tiếp dưới mức 50.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên vững hơn khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trở lại mua ngoại tệ và giải ngân đầu tư công được cải thiện, giúp cung ứng thêm tiền đồng cho nền kinh tế.
Lãi suất huy động khó giảm thêm nhiều trong thời gian còn lại của năm 2023. Tỷ giá có xu hướng biến động trong ngắn hạn, nhưng dài hạn vẫn duy trì được sự ổn định. Lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể, khoảng 35 điểm, trong khi lãi suất USD thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng, nên chênh lệch đang thu hẹp, làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng, có thể hạn chế luồng ngoại tệ vào Việt Nam.
Khi tỷ giá biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động hút bớt tiền đồng thông qua phát hành tín phiếu, bởi vậy lãi suất huy động sẽ khó giảm thêm nhiều.
Tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn biến động do chịu tác động của chỉ số Đô la Mỹ (DXY) tăng trở lại, trong khi có thêm một số luồng ngoại tệ vào từ các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) và mua bán tài sản.
Tuy nhiên, trong dài hạn, tỷ giá có xu hướng ổn định do quá trình tăng lãi suất của Fed đang gần tiến đến cuối chu kỳ và triển vọng kinh tế toàn cầu tốt lên từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư trong năm 2023.