Thanh Hoá bội thu ngân sách nội địa
Chỉ trong tháng 10, Thanh Hóa thu ước đạt 4.140 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 48,9%..
Ngày 22/10, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10, theo thông tin tại phiên họp, hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định, duy trì đà tăng trưởng tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 của tỉnh này tăng 23,43% so với cùng kỳ. Đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hoá có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó nhiều sản phẩm tăng cao như: dầu nhiên liệu, sắt thép các loại, quần áo may sẵn...
Hoạt động thương mại dịch vụ của Thanh Hoá cũng duy trì ổn định và thông suốt, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 10 ước đạt 17.214 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Về thu ngân sách nhà nước, Thanh Hóa đạt kết quả cao, tháng 10 thu ước đạt 4.140 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 48,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.580 tỷ đồng, tăng 4,0%.
Trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 20/10/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.206,6 tỷ đồng, bằng 65,2% kế hoạch, cao hơn 10,1% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2024 của tỉnh này vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số huyện, chủ đầu tư còn thấp so với tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hoá cụ thể hóa các quy định mới của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản chưa đảm bảo kế hoạch đề ra...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được các cơ quan chức năng tỉnh này nhận diện là công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu chưa cao.
Một số chủ đầu tư thiếu chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; năng lực của một số ban quản lý dự án còn chưa đảm bảo yêu cầu; một số nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện theo cam kết trong hồ sơ dự thầu, chủ trương đầu tư. Người đứng đầu một số đơn vị thiếu chủ động, thiếu đôn đốc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...
Tại phiên họp trên, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, nội dung cho hội nghị chuyên đề giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong đầu tháng 11/2024. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh; đề xuất danh mục các công trình trọng điểm trong thời gian tới. Nhiệm vụ này phải được hoàn thành trước ngày 30/10.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất để có nguồn lực cải cách tiền lương, tăng chi cho đầu tư phát triển.