Thanh Hóa xử lý hơn 2.700 buôn lậu, gian lận thương mại
7 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Thanh Hóa diễn ra phức tạp, đặc biệt tại nhiều tuyến biên giới. Các lực lượng chức năng tại địa phương này gặp nhiều khó khăn bởi các đối tượng vi phạm sử dụng chiêu thức đối phó rất tinh vi...
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo 389 Thanh Hoá đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý với tổng số vụ vi phạm hơn 2.700 vụ. Trong đó, chuyển khởi tố hình sự 649 vụ, xử lý vi phạm hành chính hơn 2.000 vụ, xử lý về hàng cấm, hàng lậu 198 vụ, xử lý hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 72 vụ; xử lý các hành vi gian lận thương mại khác hơn 1.800 vụ. Tổng số tiền thu 48,7 tỷ đồng.
Trong đó, phạt vi phạm hành chính gần 20 tỷ đồng, truy thu thuế gần 28,8 tỷ đồng; tiền bán thanh lý hàng tịch thu 32 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy hơn 3,7 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, nổi cộm trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm vẫn là diễn biến phức tạp của tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, nhất là tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, khu vực giáp ranh với các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La.
Các đối tượng ở khu vực biên giới tiếp tục “câu móc” với các đối tượng ở ngoại biên để mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới về bán cho các đối tượng trong địa bàn và đưa đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.
Bối cảnh hoạt động thương mại sôi động trở lại cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết,... đặt các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa trước nhiều thách thức.
Thời quan qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Đánh giá về thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay, lực lượng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, cho biết, từ một số vụ việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chủng loại đa dạng phát hiện được trong thời gian vừa qua cho thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng biến tướng tinh vi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ việc môi trường lưu thông hàng hóa ngày càng trở nên dễ dàng. Điển hình như việc kinh doanh trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử... chưa có chế tài quản lý, khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở mọi mặt hàng, từ hàng hóa tiêu dùng thông thường tới thuốc, thực phẩm chức năng... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đó công tác đấu tranh lại không hiệu quả như mong muốn.
Ngoài nguyên nhân khách quan về thủ đoạn, phương thức kể trên thì nhận thức của doanh nghiệp, của cộng đồng cũng chưa thực sự tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề này.
Do đó, nhiều vụ việc điều tra về hàng giả, xâm phạm bản quyền nhãn hiệu bị kéo dài hoặc không thực hiện được vì thiếu sự phối hợp của chủ thể doanh nghiệp, bởi chỉ có chủ thể doanh nghiệp mới cung cấp được các hồ sơ, văn bằng cấp bảo hộ làm cơ sở cho công tác điều tra, xác định tội phạm.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đề nghị các lực lượng thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, cần ưu tiên chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các vụ án điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới đất liền, biên giới biển, gian lận về thuế..., góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.