Thêm một quốc gia châu Á chuẩn bị triển khai thí điểm tiền điện tử ngân hàng trung ương
Sau Trung Quốc và Philippines, Nhật Bản,... Iran là quốc gia châu Á tiếp theo sẽ triển khai thí điểm tiền điện tử ngân hàng trung ương (CBDC) công khai vào tháng 6…
Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) ngày 18/6 đã công bố về kế hoạch triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) - đồng Rial kỹ thuật số nhằm vào các khoản thanh toán vi mô trong nước. Kế hoạch thí điểm sẽ bắt đầu vào ngày 21 tháng 6 và sẽ có sẵn cho khách hàng của ngân hàng và khách du lịch trên đảo Kish.
Không giống như các loại tiền điện tử khác ở Iran, đồng Rial kỹ thuật số không yêu cầu thanh toán liên ngân hàng để chuyển tiền giữa người mua và người bán.
Là một hòn đảo rộng 92 km2, Kish là hòn đảo lớn thứ hai ở Vịnh Ba Tư, nằm ở phía nam Iran. Kish là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được cho là đón khoảng 12 triệu du khách mỗi năm. Vì Kish điều hành một trong những khu thương mại tự do của Iran nên khách du lịch từ nhiều quốc gia được miễn thị thực khi đến thăm Kish.
Tính hết năm 2023, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai nghiên cứu CBDC trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới. 130 quốc gia này chiếm 98% GDP toàn cầu, tăng gấp 4 lần so với mức 35 quốc gia vào tháng 5 năm 2020.
Vào năm 2021, Ông Muhammad Javad Azari, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ở Iran, đã đề xuất biến Kish thành một trung tâm trao đổi tiền điện tử trong nước và quốc tế.
Người dùng sẽ có thể sử dụng đồng rial kỹ thuật số để thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng cách quét mã vạch thông qua phần mềm đặc biệt. Rial kỹ thuật số sẽ trở thành phương thức thanh toán bổ sung ngoài tiền mặt và thẻ ngân hàng.
CBI lưu ý: “Không giống như các loại tiền điện tử khác thường được sử dụng trong nước như tài khoản hay thẻ ngân hàng, đồng Rial kỹ thuật số không yêu cầu thanh toán liên ngân hàng để chuyển tiền giữa người mua và người bán. Tiền sẽ được gửi ngay sau khi quá trình chuyển khoản hoàn tất.”
CBI cho biết thêm: “Thanh toán bằng phương thức này dễ dàng hơn nhiều so với các phương thức thanh toán thẻ thông thường đồng thời tăng cường bảo mật thanh toán”.
Cũng theo CBI, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đồng rial kỹ thuật số là đặt nền móng cho sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trong nước và đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực thanh toán. Đồng thời nhấn mạnh rằng đồng rial kỹ thuật số cho đến nay chỉ được sử dụng cho mục đích sử dụng trong phạm vi ranh giới địa lý của đất nước và để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán vi mô trong nước.
Chính phủ Iran có quan điểm trái chiều về các loại tiền điện tử (ví dụ như Bitcoin sẽ bị cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ). Iran cũng đã điều tiết thị trường khai thác tiền điện tử địa phương kể từ năm 2018. Theo các Thượng nghị sĩ Mỹ như Elizabeth Warren, các công ty khai thác tiền điện tử của Iran gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ vì chúng có thể cho phép Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, Qatar là quốc gia gần đây nhất triển khai thí điểm tiền điện tử ngân hàng trung ương. Trong thông cáo báo chí ngày 2 tháng 6, Ngân hàng Trung ương Qatar (QCB) cho biết họ đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của dự án CBDC, đồng thời cho biết sáng kiến này phù hợp với những tiến bộ toàn cầu về tiền kỹ thuật số và nhằm mục đích hiện đại hóa và nâng cao lĩnh vực tài chính của đất nước.
Trọng tâm chính của dự án CBDC là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vốn của các ngân hàng trong nước, cải thiện quy trình thanh toán trong nước và nâng cao hiệu quả của các giao dịch chứng khoán. Giai đoạn thử nghiệm ban đầu của dự án sẽ kéo dài đến tháng 10.
Theo thống kê, số lượng quốc gia đang ở giai đoạn triển khai thí điểm CBDC là 21 tính đến cuối năm 2023. Điều thú vị là đa phần các quốc gia này đều chủ yếu thuộc khu vực châu Á. Các quốc gia phát triển nhất Châu Á đều góp mặt trong danh sách này: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ,…
Cũng tính hết năm 2023, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai nghiên cứu CBDC trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới. 130 quốc gia này chiếm 98% GDP toàn cầu, tăng gấp 4 lần so với mức 35 quốc gia vào tháng 5 năm 2020.