Theo đà giảm của giá nguyên liệu, thép xây dựng tiếp tục “hạ nhiệt”
Giá thép xây dựng trong nước vừa được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm thêm từ 300 đồng/kg – 810 đồng/kg. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, thép xây dựng đã có 2 đợt giảm giá…
Trong đợt điều chỉnh này, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty thép Việt Đức là hai doanh nghiệp có mức giảm giá mạnh nhất.
Cụ thể, thép Thái Nguyên giảm 810 đồng/kg đối với cả hai sản phẩm của công ty. Cụ thể, thép cuộn CB240 có giá mới là 18.270 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18.420 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức tại miền Trung giảm 810 đồng/kg đối với với cả hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Như vậy, mức giá mới lần lượt là 18.070 đồng/kg và 18.370 đồng/kg.
Còn tại miền Bắc, Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 760 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 510 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt là 17.810 đồng/kg và 18.370 đồng/kg.
Thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc, giảm 800 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 460 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá lần lượt là 17.830 đồng/kg và 18.280 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá thép cuộn CB240 giảm 750 đồng/kg, xuống mức 17.930 đồng/kg, còn thép thanh CB300 giảm 510 đồng/kg, xuống mức 18.280 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 giảm 500 đồng/kg, xuống mức 18.180 đồng/kg, còn thép thanh CB300 giảm 510 đồng/kg, xuống mức 18.280 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 600 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 450 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 17.980 đồng/kg và 18.230 đồng/kg.
Thép Kyoei điều chỉnh giảm 500 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 510 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này ở mức 18.070 đồng/kg và 18.270 đồng/kg.
Thép miền Nam giảm 410 đồng/kg với thép cuộn CB240, xuống mức 18.270 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng/kg, hiện có giá 18.570 đồng/kg.
Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang (TQIS) điều chỉnh giảm 500 đồng/kg đối với cả hai sản phẩm. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 xuống còn 17.860 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.830 đồng/kg.
Tương tự, thép Tung Ho cũng giảm 300 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 450 đồng/kg với thép thanh CB300. Theo đó, mức giá mới của hai sản phẩm lần lượt là 18.070 đồng/kg và 18.070 đồng/kg.
Thương hiệu thép Mỹ điều chỉnh mức giảm 500 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức giá mới là 17.970 đồng/kg, còn đối với thép thanh vằn D10 CB300, giảm 510 đồng/kg, xuống mức 18.170 đồng/kg.
Thép Việt Sing, giảm 510 đồng/kg đối với cả hai sản phẩm của công ty. Cụ thể, thép cuộn CB240 có giá mới là 17.910 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18.110 đồng/kg.
Nguyên nhân giá thép giảm là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể. Số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 4/2022.
Cụ thể, giá quặng sắt ngày 9/5/2022 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Tương tự, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5/2022 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Giá cuộn cán nóng ngày 9/5/2022 ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022.
Về tình hình sản xuất và tiêu thụ thép, số liệu của VSA cho thấy, trong tháng 4/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,962 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng 3/2022 và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 11,433 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4/2022, tiêu thụ thép các loại đạt 2,419 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 10,555 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 2,454 triệu tấn,tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của VSA, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng từ 20-30% nhu cầu sản xuất, còn 70-80% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới.
Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam là khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu.
Ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.
Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… với dự báo giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.