Thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cảng biển
Cảng biển phát triển kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cho ngành này. Tuy nhiên, thị trường lao động chưa đủ đáp ứng. Chúng ta vẫn thiếu rất nhiều nhân lực đã qua đào tạo chuyên nghiệp…
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam 2024-2028, được Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) thực hiện do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ thông qua chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills); Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh khu vực Tp.HCM hỗ trợ.
ĐÒI HỎI NGUỒN NHÂN LỰC PHẢI ĐÁP ỨNG XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ
Báo cáo cho thấy, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Các vị trí đang thiếu hụt nhân sự vì khó tuyển dụng là khối điều khiển phương tiện, thiết bị như cẩu quay, cẩu khung, xe đầu kéo; nhân sự khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp như giám định sửa chữa, vệ sinh container, sửa chữa, bảo trì thiết bị xếp dỡ container; sửa chữa cơ hạ tầng; lập kế hoạch…
Lý do khó tuyển dụng nhân sự theo các doanh nghiệp trong ngành là do ứng viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuyên môn; ít cơ sở giáo dục nhà nước đào tạo ngành cảng; thiếu chứng chỉ nghề chuyên ngành; thời gian và môi trường lao động khắc nghiệt; mức lương cạnh tranh; yêu cầu cam kết làm việc dài hạn.
Đặc biệt, 5 xu hướng phát triển ngành cảng trong xu thế hội nhập giai đoạn 2024-2028 có tác động rõ rệt đến nhu cầu nhân sự ở cấp vận hành cảng bao gồm: Cảng điện tử và cảng thông minh; thiết bị xếp dỡ tự hành; cảng xanh (sử dụng nhiên liệu sạch); robot và tự động hoá và trí tuệ nhân tạo (AI).
Báo cáo nhận định, đây là những xu hướng công nghệ xanh phù hợp với chiến lược hội nhập và phát triển của Chính phủ với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trong đó nhiệm vụ phát triển hệ thống cảng biển là một nhiệm vụ quan trọng. Các xu hướng công nghệ trên sẽ tác động mạnh đến sự thay đổi nhu cầu nhân sự tại hệ thống cảng biển Việt Nam trong tương lai.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, từ năm 2024-2028 các khối nhân sự tại cảng biển sẽ có sự thay đổi mạnh về nhu cầu đặc biệt ở các cấp vận hành thiết bị, phương tiện và cấp khai thác, kỹ thuật trực tiếp tại cảng do tác động của các xu hướng công nghệ đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế cảng biển tại Việt Nam.
Với khối vận hành thiết bị phương tiện kỹ thuật, theo kết quả khảo sát các vị trí nhân sự có dự báo thiếu hụt trong thời gian tới bao gồm: Nhân viên vận hành xe tải, đầu kéo; nhân viên vận hành xe chụp; nhân viên vận hành cấu quay; nhân viên vận hành xe nâng (kho, bãi); nhân viên vận hành cẩu khung.
Kết quả khảo sát cho thấy sự tương quan giữa các xu hướng phát triển cảng biển trong thời gian tới đều liên quan đến số hoá, tự động hoá và công nghệ, đặc biệt trong các phương tiện thiết bị vận hành tại cảng. Các xu hướng này đã và đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo trình độ, kỹ năng phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực tại các cảng địa phương.
Không chỉ vậy, nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp trong ngành còn yêu cầu cao về kiến thức nghiệp vụ, về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy; kỹ năng vận hành phương tiện, thiết bị an toàn theo chứng chỉ nghề…
Điều thú vị trong kết quả khảo sát là các doanh nghiệp ngành cảng coi trọng tuyển dụng nhân sự có tính kỷ luật cao, là “công dân của tổ chức”, ứng xử tốt với khách hàng, khả năng năng thích nghi và làm việc độc lập cường độ cao, khả năng làm việc phối hợp nhóm; khả năng quan sát, phán đoán, đánh giá tình huống và xử lý vấn đề…
GẮN KẾT DOANH NGHIỆP - CƠ SỞ ĐÀO TẠO KHÔNG CÒN LÀ “KHẨU HIỆU”
Trước thực trạng nguồn nhân lực cảng biển thiếu và yếu, báo cáo đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương cần bổ sung, làm rõ chi tiết nhiệm vụ của các bên liên quan trong ngành về nội dung đào tạo nguồn nhân lực và nâng tầm kỹ năng lao động ngành cảng vào trong Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xem xét đưa nội dung về đào tạo, đào tạo lại, đào tạo kỹ năng về cảng và cảng biển vào chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thể chế hóa mô hình gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thông qua Hội đồng kỹ năng nghề.
Cấp địa phương cần nâng cao năng lực dự báo, thống kê và có kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu của thị trường lao động của địa phương, nhất là những kỹ năng tương lai, những ngành, nghề mới về cảng và cảng biển.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp được đăng ký đào tạo các ngành, nghề về cảng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, nhà trường - các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần xác định những vị trí công việc mà doanh nghiệp hiện nay đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở mức cao làm cơ sở cho việc xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo và cập nhật các mã ngành đào tạo hiện có nhằm đáp ứng những thay đổi của môi trường làm việc.
Cần chủ động thúc đẩy việc gắn kết trong đào tạo với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công việc thực tiễn phù hợp với ngành nghề được đào tạo và tham gia học kỳ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nên chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực bằng cách cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các vị trí công việc cụ thể. Từ đó làm cơ sở giúp cho cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách, chỉ tiêu và các chuẩn đào tạo liên quan cũng như giúp các trường điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra của đào tạo gần với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của ngành.
“Việc doanh nghiệp tham gia sâu vào các hoạt động đào tạo từ việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề, góp ý, xây dựng chương trình đào tạo tại doanh nghiệp và đánh giá chất lượng sinh viên… giúp doanh nghiệp chủ động giải quyết bài toán thiếu hụt lao động cho hoạt động sản xuất và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”, báo cáo nhấn mạnh.