Thời trang giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn ngập châu Á?
Hầu hết các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài dường như đang bị mắc kẹt tại châu Á. Các thương hiệu nội địa Trung đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong hoạt động kinh doanh nhờ thương mại điện tử…
Các thương hiệu thời trang dành cho thị trường đại chúng thường khó có thể được đưa vào tuần lễ thời trang bởi các thiết kế thông thường của chúng kém dẫn đầu xu hướng hơn nhiều so với các thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng. Thế nhưng, năm 2024 là mùa thứ hai thương hiệu Semir của Trung Quốc xuất hiện trên sàn diễn tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải.
Không tập trung vào xuất khẩu như Shein hay Temu, sự phát triển trên thị trường đại chúng của các thương hiệu nội địa Trung đang tăng chóng mặt. Các thương hiệu như Metersbonwe và Ningo có trụ sở tại Thượng Hải hay một số thương hiệu khác như Peacebird hoặc Youngor đã tích lũy được độ nhận diện của người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Các thương hiệu nội địa Trung khác đang tranh giành thị phần bao gồm Eifini có trụ sở tại Hàng Châu, Mo&Co và Urban Revivo của Quảng Châu. Daniel Zipser, lãnh đạo bộ phận bán lẻ và tiêu dùng của McKinsey tại Châu Á cho biết, các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài đang bị “ngó lơ” trong bối cảnh người dân Trung Quốc ngày càng tin tưởng vào chất lượng và dịch vụ của các thương hiệu nội địa.
Song song với đó, sự quá trình xuất khẩu đang diễn ra trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, như là Taobao hay Tmall và Douyin. Một lượng lớn các thương hiệu Trung Quốc đã có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử này cho phép khách hàng châu Á tiếp cận với các sản phẩm chạy theo xu hướng, phù hợp với nhu cầu và có một mức giá hợp lý.
Hơn thế nữa, Taobao đã có một bước tiến mới khi cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang, nhằm cạnh tranh với Temu và Shein. Theo Nikkei Asia, chương trình bắt đầu triển khai từ đầu tháng 8, trước mắt áp dụng cho người dùng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macao. Taobao dự định mở rộng chương trình này sang các thị trường châu Á khác vào cuối năm nay và đang trong quá trình thuyết phục thêm nhà bán hàng tham gia.
“Ý tưởng này là quyết định mang tính chiến lược nhất của Taobao trong năm nay”, một giám đốc cấp cao của công ty cho biết. Vị này chia sẻ thêm việc ra mắt chương trình mới một phần vì tỷ lệ hoàn trả hàng may mặc cao, đặc biệt là quần áo nữ được đặt mua trong các buổi livestream. Theo chương trình mới, Taobao sẽ chịu chi phí trả lại. Các mặt hàng được trả lại sẽ được lưu tại một trong các kho hàng ở nước ngoài của công ty thay vì gửi về cho người bán. Quy trình này giúp việc bán hàng ở nước ngoài ít rủi ro hơn đối với người bán.
Hiện thời trang là ngành hàng thế mạnh của Taobao vì sự đa dạng sản phẩm so với các nền tảng khác. Giờ đây Taobao sẽ trợ cấp chi phí vận chuyển, người bán sẽ chỉ phải vận chuyển hàng hóa đến kho của Taobao tại Trung Quốc và bộ phận hậu cần của Alibaba, Cainiao sẽ xử lý hầu hết quy trình còn lại. Hàng thời trang đủ điều kiện được miễn phí vận chuyển cũng sẽ có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế khác của Alibaba như Lazada hay AliExpress.
Sự thay đổi quan trọng mang tính chiến lược này của Taobao cũng cho thấy cuộc cạnh tranh đang nóng lên giữa các đối thủ thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Vào tháng 11/2023, vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán Mỹ của PDD Holdings, công ty mẹ của các ứng dụng Pinduoduo và Temu, đã có lần đầu tiên vượt qua Alibaba. Hai công ty này thay phiên nhau chia sẻ vị trí dẫn đầu trong số các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong những tháng tiếp theo kể từ đó.
Để đẩy mạnh cạnh tranh, không chỉ với Taobao, Alibaba cũng đã triển khai chương trình trợ cấp giao hàng ra nước ngoài với những nhà bán hàng trên sàn Tmall, theo SCMP. Các nhà bán hàng trong danh mục thời trang, gồm quần áo nam nữ, trang phục thể thao, giày, túi xách và phụ kiện, đều đủ điều kiện tham gia. Điều này đồng nghĩa, thay vì dựa vào giá thấp để thu hút thêm khách hàng, Alibaba đang tăng cường tập trung vào giá trị hàng hóa gộp, thước đo tổng doanh số bán hàng trực tuyến và giá trị đơn hàng trung bình.
"Sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều ngành khác nhau tại Trung Quốc đã dẫn đến biên lợi nhuận thấp cho các doanh nghiệp, vì vậy chúng tôi đang giúp một số nhà bán hàng hàng đầu trên Taobao khám phá thị trường nước ngoài", một giám đốc cấp cao của Taobao chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, Temu là sàn thương mại điện tử vốn hướng ra nước ngoài thì gần đây cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự để thu hút nhiều nhà bán hàng Trung Quốc. Các nhà bán hàng và nhà sản xuất sẽ giao hàng của họ đến các kho được chỉ định tại Trung Quốc, còn Temu chịu trách nhiệm về giá cả, tiếp thị và dịch vụ khách hàng.
Giữa "cuộc chiến giá cả", Alibaba cũng đã thực hiện một loạt biện pháp để cung cấp cho người mua nhiều món hời hơn, bao gồm tích hợp các dịch vụ của sàn thương mại điện tử 1688 với Taobao. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề không thể thử hàng khi mua sắm online dẫn đến tình trạng hoàn trả hoặc vứt xó, mới đây trên ứng dụng Taobao, đã có chức năng thử đồ online. Người mua hàng chọn ảnh body của bản thân và "mặc thử" trang phục ngay trên ứng dụng để xem có thực sự có phù hợp để chọn mua hay không. Thời gian cho mỗi lần "thử đồ online" chỉ mất vài giây, nhanh hơn gấp bội so với thử đồ thực tế và giúp tiết kiệm thời gian mua sắm hơn đáng kể.
Theo chia sẻ của tài khoản Threads @dungomachi, đây là tính năng siêu tiện lợi khi vừa không phải tốn tiền mua đồ không hợp, lại có thể phối đồ trực tiếp ngay trên ứng dụng. Chưa hết, nếu như không dùng ảnh thực tế của mình, người mua hàng vẫn có thể tạo ra mô phỏng dáng người bằng AI. Nhập số đo chiều cao, cân nặng, tự chỉnh dáng người... lập tức sẽ có một mô hình tương ứng với bản thân để thay bạn "thử đồ", giúp việc tìm ra món quần áo phù hợp nhất dễ dàng hơn khi nào hết.
Như vậy riêng về giá cả, nhà bán hàng Trung Quốc đã "ăn đứt". Chưa kể sự bài bản về hệ thống logistics, "bao" phí vận chuyển, giao nhanh. Trên thực tế, nhiều mặt hàng Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ, giao "thần tốc", một số sản phẩm chất lượng tương đối ổn. Điều này khiến các thương hiệu thời trang nhanh thế giới lo ngại rằng hàng thời trang Trung Quốc sẽ nhanh chóng “phủ sóng” châu Á. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng mua hàng online cho biết họ vẫn còn băn khoăn về độ bền, tính an toàn cho sức khỏe, khâu bảo hành và giải quyết khiếu nại.