Thủ tướng chỉ thị giảm chi phí logistics
Hàng loạt bộ ngành, địa phương được yêu cầu cùng bắt tay triển khai các nhiệm vụ để giảm chi phí logistics
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Chỉ thị nêu rõ, dù Chính phủ và các bộ ngành đã có chỉ đạo để phát triển ngành logistics, nhưng đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ; kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics vẫn còn cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Phát huy tối đa vận tải đa phương thức
Để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.
Ưu tiên phát triển mạnh vận tải ven biển, vận tải sông pha biển, nhằm vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ, đồng thời tận dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên sẵn có về sông, biển để kết nối vận tải hàng hóa giữa hàng hải, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt.
Triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam; nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt và cải tạo nâng cấp, đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long; nghiên cứu phương án, lộ trình xây dựng tuyến đường sắt nối với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; nghiên cứu, phát triển, hình thành kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn.
Từng bước đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; Phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải.
Đối với hàng không, sớm hoàn thành, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chuẩn bị dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng, phát triển các trung tâm logistics hàng không gắn liền với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phối hợp với Tp.HCM nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay...
Tăng thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics.
Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và khu vực. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics; xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics; ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics...
Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.