Tiền nhất định không vào, sau “giờ vàng” VN-Index lại tìm đáy mới
Thị trường xuất hiện một nhịp mua đẩy giá trong nửa đầu phiên chiều nay, nhưng dòng tiền quá cạn đã không thể duy trì được lâu. Từ 2h trở đi, sức ép ở nhóm cổ phiếu blue-chips nhanh chóng bẻ gục nhịp tăng, ép VN-Index chốt phiên ở mức thấp nhất ngày, giảm thêm 18,22 điểm tương đương -1,72%, xuống mức 1042,4 điểm, tương đương với đáy thấp nhất hồi cuối tháng 4 vừa qua...
Thị trường xuất hiện một nhịp mua đẩy giá trong nửa đầu phiên chiều nay, nhưng dòng tiền quá cạn đã không thể duy trì được lâu. Từ 2h trở đi, sức ép ở nhóm cổ phiếu blue-chips nhanh chóng bẻ gục nhịp tăng, ép VN-Index chốt phiên ở mức thấp nhất ngày, giảm thêm 18,22 điểm tương đương -1,72%, xuống mức 1042,4 điểm, tương đương với đáy thấp nhất hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Nếu tính tiêng chiều nay, giao dịch hai sàn niêm yết quả thực có tăng tới gần 91% so với phiên sáng, nhưng con số tuyệt đối chỉ là gần 6.576 tỷ đồng. Mức tăng thì nhiều, nhưng chủ đạo là do phiên sáng thấp kỷ lục. Lượng tiền nói trên là rất kém, nên lực đỡ không thể duy trì bền vững được.
VN-Index xuất hiện một nhịp hồi từ sau giờ nghỉ trưa kéo dài tới 2h, mức giảm được co lại còn -0,23 điểm. Độ rộng tại thời điểm này khá hơn với 182 mã tăng/283 mã giảm cho thấy cũng có nhịp phục hồi trên diện hẹp. Nhịp giảm trong nửa sau có sức ép rất lớn từ nhóm cổ phiếu blue-chips.
VN30-Index lúc 2h cũng đạt đỉnh của nhịp hồi, còn giảm 0,11% so với tham chiếu. Một nửa số cổ phiếu trong rổ cũng đảo chiều tăng qua tham chiếu. Rất tiếc đà tăng đã không có lực mua đỡ ổn định, chỉ hơn chục phút sau giá đã quay đầu đỏ cả loạt. VN30 kết phiên chỉ còn 4 mã tăng/25 mã giảm. Nếu so với giá chốt buổi sáng, tới 22 mã tụt sâu hơn và chỉ 4 mã tăng.
Nhóm tạo sức ép lớn nhất lên VN-Index là GVR giảm 6,74%, TCB giảm 4,91%, BID giảm 2,38%, STB giảm 5,92%, SAB giảm 3,65%. Khá may mắn là trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, VCB vẫn tăng 1,06%, VHM trụ được tham chiếu và VIC trong đợt ATC được kéo giật lên, chỉ còn giảm 0,24%. Số tăng trong nhóm VN30 còn lại VRE tăng 0,87%, MSN tăng 0,35%, BCM tăng 0,85%.
Dù vậy sức ép ở bên giảm vẫn hoàn toàn áp đảo. Rổ VN30 có tới 11 cổ phiếu giảm từ 2% tới trên 6%. Độ rộng toàn sàn HoSE kết phiên chỉ còn 111 mã tăng/393 mã giảm. Mặt bằng giá chiều nay cũng kém hơn nhiều so với buổi sáng với 21 cổ phiếu giảm sàn và 172 mã giảm trên 1%. Phiên sáng mới có 6 mã giảm sàn và 140 mã giảm trên 1%.
Tổng thể thanh khoản hôm nay chỉ đạt 8.823,4 tỷ đồng khớp lệnh trên HoSE và nếu tính cả HNX là gần 10.026 tỷ đồng. Mức thấp tương đương gần nhất là ngày 24/10 vừa qua cũng đạt 10.275 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Thanh khoản này cho thấy các dòng tiền lớn gần như đứng im. Tuy thanh khoản chung rất kém nhưng thị trường vẫn lộ rõ nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh. HoSE có 23 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng – tập trung 61% tổng giá trị khớp lệnh sàn này – thì tới 14 mã giảm trên 2%. Dẫn đầu là VIX giảm 6,99% với thanh khoản 277,4 tỷ; KBC giảm 6,84% với 151,1 tỷ; GEX giảm 6,78% với 186,4 tỷ; SSI giảm 6,62% với 477,7 tỷ; VND giảm 6,49% với 228,5 tỷ.
Hơn 100 cổ phiếu đi ngược dòng thì chỉ 7 mã đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng là VCB, RDP, KDC, VRE, MSB, OCB, MSN, còn lại toàn khớp vài triệu tới vài chục triệu đồng. Khả năng giữ giá với thanh khoản như vậy là không đáng tín cậy.
Khối ngoại buổi chiều có tăng mua lẫn tăng bán nhưng khá cân bằng. Cụ thể, khối này giải ngân thêm 689,4 tỷ đồng và bán ra 745 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương ứng bán ròng 55,6 tỷ. Phiên sáng khối này bán ròng 32,7 tỷ. Phía bán ròng vẫn là các mã từ sáng như VHM, TCB, VIC, MSN. Tuy nhiên bán tăng mạnh chỉ có VHM khi phiên sáng là -54,7 tỷ thì kết phiên là gần 296 tỷ. Phía có DGC +101,9 tỷ, VCI +46,6 tỷ, VND +37,3 tỷ, VCG +28,7 tỷ, STB +23,9 tỷ.
VN-Index đóng cửa hôm nay còn 1.042,4 điểm tương đương mức cuối tháng 4/2023, là “chân sóng” kéo dài hơn 4 tháng sau đó. Dù vậy không nhiều cổ phiếu điều chỉnh về vùng giá tương tự, nhưng rất nhiều blue-chips lại giảm tương ứng với đỉnh và đáy chỉ số. VN-Index hiện đang được điều tiết bằng sức ép ở các blue-chips là chính.