Tìm kiếm giải pháp công nghệ, tài chính bền vững, cấp bách cho nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long
Do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Vùng đồng bằng phì nhiêu, được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của đất nước, lại đang đứng trước nạn hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở...
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước mà còn là trung tâm xuất khẩu nông sản hàng đầu của quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng liên quan đến tài nguyên nước do xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt, sụt lún đất, sạt lở bờ biển và ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân đang sinh sống tại đây. Do đó, để giải quyết những thách thức này, chúng ta cần tìm kiếm những giải pháp bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế.
Để cùng tìm ra những giải pháp, công nghệ mới và những nguồn lực cần thiết để bảo vệ phát triển bền vững vùng đất này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế - Invest Global phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế”.
Tham dự Hội thảo khoa học Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế có các đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực liên quan như nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giải pháp về nguồn nước như: GS. TS Đặng Huy Huỳnh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Và Môi trường Việt Nam; GS.TS.Nhà giáo nhân dân Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (trí thức tiêu biểu năm 2024); GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của ông Sam Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Aquaworks và ông Shin Yongil, Tổng giám đốc Tập đoàn Aquawork. Aquawork là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc – doanh nghiệp sở hữu giải pháp tái sử dụng nước thải và xử lý nước cốt lõi thế hệ mới. Aquaworks cũng sở hữu nhiều bằng sáng chế và chứng nhận từ các tổ chức uy tín tại Hàn Quốc và quốc tế, khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực công nghệ xử lý nước.
Tại đầu cầu Hàn Quốc còn có sự tham dự của các chuyên gia và doanh nghiệp Hàn Quốc như GS. Park Sang-won của Đại học Keimyung (Korea) và Stanford University (USA).
Với mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Tập đoàn Aquaworks đang tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết vấn đề xử lý nước mặn, cung cấp nước sạch, và xử lý nước thải tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các dự án hợp tác này còn có thể được đệ trình để cấp tín chỉ carbon theo Nghị định thư Paris, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy, kỳ vọng hội thảo sẽ là một cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhìn nhận đánh giá lại bức tranh tổng quan về thực trạng và mức độ cấp bách cũng như những thách thức to lớn về tài nguyên nước mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đến từ Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với chuyên gia và doanh nghiệp đến từ Tập đoàn Aquaworks trao đổi, thảo luận để cũng tìm những giải pháp công nghệ tiên tiến và nguồn vốn quốc tế để bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước quý giá của khu vực này.
Trong bối cảnh các thách thức về nguồn tài nguyên nước ngày càng gia tăng, sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế như Aquaworks và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là hết sức cần thiết. “Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính, và kinh nghiệm quản lý từ các đối tác quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể vượt qua những thách thức hiện tại, phát triển bền vững, và tiếp tục đóng góp vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam”, TS. Chử Văn Lâm cho biết.
Trong khuôn khổ của hội thảo, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các chuyên gia thuộc các cơ quan gồm: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tập đoàn Aquaworks-Hàn Quốc, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thống nhất các ý kiến chuyên gia về công nghệ và đầu tư của Tập đoàn Aquaworks vào Việt Nam tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế”.
Về ý kiến chuyên gia về công nghệ và đầu tư của Tập đoàn Aquaworks tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng công nghệ xử lý nước của Tập đoàn Aquaworks là một giải pháp phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long. Tập đoàn này sở hữu nhiều bằng sáng chế và chứng nhận từ các tổ chức uy tín tại Hàn Quốc và quốc tế. Đặc biệt, hệ thống ESA của Aquaworks đã được chứng nhận là công nghệ mới xuất sắc và được đăng ký trong danh mục mua sắm công cộng tại Hàn Quốc. Những dự án này có thể được đệ trình để cấp tín chỉ carbon theo Nghị định thư Paris.
Việc nghiên cứu tính khả thi của các dự án triển khai công nghệ này là rất quan trọng và cần được xem xét kỹ lưỡng bởi các cơ quan có thẩm quyền. Các chuyên gia cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép Tập đoàn Aquaworks tiến hành nghiên cứu, đánh giá và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Điều này sẽ đảm bảo rằng các giải pháp được triển khai một cách hiệu quả và bền vững, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng việc hợp tác với Tập đoàn Aquaworks có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh cần phải bảo vệ và tái tạo nguồn tài nguyên nước một cách bền vững.