Tổ chức thẩm định độc lập về khí nhà kính phải là cơ quan nhà nước
Trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Ban soạn thảo đã đưa ra đề xuất cần có đơn vị thẩm định độc lập thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính để chuyên môn hóa lĩnh vực, đồng thời định hướng sẽ xã hội hóa tổ chức này...
Tại buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022-CP và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì tổ chức nhiều đại diện bộ ngành, chuyên gia đã cho ý kiến về đề xuất này.
TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH ĐỘC LẬP VIỆT NAM CHƯA ĐỦ NĂNG LỰC
Giải thích về đề xuất phải có đơn vị kiểm định độc lập để thẩm định kết quả phát thải khí nhà kính, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, thành viên Ban soạn thảo Tăng Thế Cường, cho hay “Nghị định 06 giao cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh (cụ thể là các sở) thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Tuy nhiên, do kết quả kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở được phân bổ hạn ngạch (để tham gia thị trường carbon) phải bảo đảm độ chính xác, minh bạch, nên cần có đơn vị thẩm định độc lập thực hiện”.
Đồng thời, “Theo kinh nghiệm của các nước, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phải gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính cho cơ quan quản lý nhà nước khi đã được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập. Do đó, việc bổ sung quy định đơn vị thẩm định độc lập thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cần thiết”.
“Do đó, Ban soạn thảo đã đề xuất nội dung này vào Dự thảo Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung. Quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường – đơn vị chỉ trì soạn thảo là nay mai việc thẩm định phải chuyên môn hóa và các cơ sở thẩm định này sẽ xã hội hóa”, Cục trưởng Tăng Thế Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng cho biết thêm “Tuy nhiên, đơn vị kiểm định độc lập này phải có tóc, tức là phải chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Song, do Luật Đầu tư 2020 sửa đổi chưa bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các đơn vị thẩm định độc lập tại, do vậy, Dự thảo Nghị định 06 sửa đổi đề xuất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định liên ngành”.
Cụ thể là trong thời gian đầu cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phải tham gia thẩm định, sau đó dần xã hội hóa, giao cho những tổ chức/cá nhân có tên tuổi, nắm vững pháp luật Việt Nam để đứng ra thẩm định.
Nghị định 06 cũng đã quy định các tiêu chuẩn tiêu chí của đơn vị thẩm định độc lập. Cụ thể là năng lực thẩm định được Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) công nhận; hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính; hoặc có kỹ thuật viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng.
Tuy nhiên, đại diện ban soạn thảo ông Tăng Thế Cường, cho biết hiện nay trong nước chưa có đơn vị nào đủ năng lực đáp ứng các tiêu chí trên. Số lượng kỹ thuật viên được cấp giấy chứng nhận của UNFCCC hiện còn ít và cơ bản chưa đáp ứng được về nhu cầu trong tương lai.
Mặc dù tán đồng việc giao cho đơn vị thẩm định độc lập kết quả kiểm kê khí nhà kính, song đại diện Cục Lâm nghiệp rất quan ngại về tình trạng hiện nay có nhiều doanh nghiệp tư nhân về địa phương và khẳng định họ có chứng chỉ Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu hay là được đâu đó cấp 1 vài chứng chỉ, và sẵn sàng nhận hỗ trợ bên rừng, bên lâm nghiệp xây dựng báo cáo hay thẩm định đánh giá.
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp “Khi nhận được phản ánh, chúng tôi phải thông tin lại cho địa phương rằng hiện nay ở Việt Nam, về tín chỉ carbon rừng không có một đơn vị Việt Nam nào đủ điều kiện làm VVB (tổ chức xác minh và thẩm định) cho cả tiêu chuẩn quốc tế, kể cả VERA hay VCF, FCVF, TREE... Hiện trong nước còn đang xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng do đó chưa có đơn vị nào đủ điều kiện tham gia thẩm định làm báo cáo tín chỉ carbon rừng”.
Đồng tình với ý kiến của đại diện của Cục Lâm nghiệp, TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng cho rằng Việt Nam chưa có một tổ chức thẩm định nào đủ năng lực thẩm định quốc tế, suy ra trong nước cũng không có. Vì nếu đủ năng lực đánh giá thẩm định theo VERA thì đơn vị đó mới đáp ứng được các tiêu chuẩn trong điều 14 của NĐ06.
THẨM ĐỊNH LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Đồng thuận với quan điểm chuyên môn hóa - xã hội hóa công tác thẩm định độc lập, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng “Trong giai đoạn chưa đủ căn cứ pháp lý để cho phép các tổ chức thẩm định độc lập tư nhân đăng ký kinh doanh có điều kiện hoạt động, thì việc tư vấn thẩm định độc lập này nên do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thành lập. Hình thức có thể là một Hội đồng thẩm định liên ngành nhà nước, bao gồm các thành viên là các bộ chuyên môn liên quan đương nhiệm vai trò thẩm định kết quả.”
Tuy nhiên, do lo ngại về độ tin cậy và tính trách nhiệm của đơn vị thẩm định độc lập xã hội hóa, vị này lại cho rằng chỉ nên giao việc thẩm tra kết quả cho các tổ chức tư vấn độc lập. Còn việc thẩm định là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, và có thể coi đây là một dịch vụ công thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý giải về điều này, đại diện Bộ Xây dựng phân tích, nếu căn cứ vào năng lực của tổ chức để kiểm định, thẩm định và xác nhận chất lượng sẽ có rủi ro nếu tổ chức này giải tán, khi đó sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Chuyên gia đánh giá quốc tế Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu cũng đồng ý với quan điểm đơn vị quản lý thẩm tra phần hạn ngạch phát thải khí nhà kính nên là cơ quan quản lý nhà nước - đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định phân bổ hạn ngạch.
Theo tiến sĩ Nam “Giai đoạn chuyển giao thì cơ quan quản lý nhà nước có thể ủy quyền hoặc cho các đơn vị tư vấn trong/ngoài nước đủ năng lực tư vấn tham gia đấu thầu để thực hiện. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước, có thể là các đơn vị sự nghiệp sẽ phải là đơn vị trực tiếp phân bổ hạn ngạch, thẩm định hạn ngạch phát thải KNK. Còn các hoạt động hình thành và tạo thành tín chỉ carbon thì để cho xã hội thực hiện”.
Cho rằng có thể giao cho bên thứ 3 - đơn vị thẩm định kết quả độc lập – thẩm dịnh đánh giá kết quả kiểm kê khí nhà kính, và phải do cơ quan nhà nước chủ trì cấp phép hoạt động, đại diện Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn cho biết “Hiện nay Cục Lâm nghiệp đang xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng cho thị trường trong nước. Bộ Nông nghiệp sẽ phải là cơ quan cấp phép hoạt động cho đơn vị thẩm định độc lập – đơn vị thứ 3 - và đơn vị đó phải có năng lực như thế nào mới được đi xác minh được kết quả”.
Đại diện Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh “Những doanh nghiệp nào phải được cơ quan xây dựng, quản lý tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng cấp phép thì họ mới được tham gia tư vấn, cung cấp dịch vụ báo cáo đánh giá”.
Việc thiếu cả cá nhân, tổ chức đáp ứng điều kiện năng lực để tham gia tư vấn, thẩm định độc lập kết quả kiểm kê khí nhà kính, cùng với những vướng mắc về điều kiện kinh doanh đang là những trở ngại với lộ trình xây dựng và thực thi chính sách giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam hiện tại.