TP.HCM khánh thành cầu Thủ Thiêm 2
Việc hoàn thành dự án cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa rất lớn đối với TP.HCM trong bối cảnh Thành phố nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid-19…
Tại lễ khánh thành dự án cầu Thủ Thiêm 2, vào sáng ngày 28/4/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã nhấn mạnh đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM, được sự mong đợi của người dân và lãnh đạo Thành phố từ nhiều năm nay. Cầu sẽ góp phần giảm tải, ùn tắc giao thông cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) vốn bị quá tải trong thời gian qua.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, công trình cầu Thủ Thiêm 2 giúp hoàn thiện trục giao thông chính của Thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 cũ, nay là TP.Thủ Đức).
Người đứng đầu chính quyền Thành phố lưu ý, dự án tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị mới Thủ Thiêm, - được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh, trước năm 2030. Việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 sẽ góp phần phát triển khu đô thị phía Đông đồng thời là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, với 6 làn xe, trong đó phần cầu chính dài 886 m, được thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TP.HCM. Công trình có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, nối quận 1 với TP. Thủ Đức, được khởi công vào tháng 02/2015 và hoàn thành sau hơn bảy năm xây dựng. Công trình còn có hình uốn lượn khi nhìn từ mặt bên của cầu. Kiến trúc này đem lại tính thẩm mỹ độc đáo và tạo điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, dự án cầu Thủ Thiêm 2 là công trình quan trọng, thúc đẩy khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển, phát huy hiệu quả của các dự án khác trong khu vực. “Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của thành phố và chủ đầu tư, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp vẫn đảm bảo được tiến độ thi công, đến nay công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng”, Phó thủ tướng nói.
TP.HCM là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng, là cửa ngõ khu vực và quốc tế. Trong thời gian tới, Trung ương sẽ tiếp tục chú trọng đối với khu vực này. Cụ thể, đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai, cao tốc như: vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một... trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Để phát huy hiệu quả các dự án trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc về các vấn đề chính sách đầu tư mà Uỷ ban nhân dân TP.HCM báo cáo, kiến nghị. Từ đó, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền tháo gỡ, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển xứng tầm với mong đợi của người dân cả nước.
Sau lễ khánh thành, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được đưa vào khai thác ngay. Theo quy hoạch được duyệt, có bốn cây cầu và một hầm kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Hiện đã có hai cây cầu là cầu Thủ Thiêm hiện hữu và cầu Thủ Thiêm 2, và một hầm là hầm Thủ Thiêm tức hầm sông Sài Gòn. Được biết, vừa qua Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM đã thống nhất đề xuất đặt tên các cầu Thủ Thiêm 1 đến Thủ Thiêm 4 theo thứ tự là: Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ và Bến Nghé. Như vậy, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được gọi tên mới là “cầu Ba Son”. Đây đều là những địa danh nổi tiếng của TP.HCM hàng trăm năm qua.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, với 6 làn xe, trong đó phần cầu chính dài 886 m, được thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TP.HCM. Công trình có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, nối quận 1 với TP. Thủ Đức, được khởi công vào tháng 02/2015 và hoàn thành sau hơn bảy năm xây dựng.
Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM đã thống nhất đề xuất đặt tên các cầu Thủ Thiêm 1 đến Thủ Thiêm 4 theo thứ tự là: Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ và Bến Nghé. Như vậy, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được gọi tên mới là “cầu Thủ Ngữ”. Đây đều là những địa danh nổi tiếng của TP.HCM hàng trăm năm qua.