Tràn lan quảng cáo thuốc giải rượu thần tốc: Bộ Y tế nói gì?
Việc kiểm tra rát và phạt nặng lái xe có nồng độ cồn đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các loại quảng cáo sản phẩm giải rượu thần tốc
Liên quan đến thông tin những ngày qua trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp giải rượu "thần tốc", "tẩy nhanh nồng độ cồn", Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng thổi bay nồng độ cồn.
Theo Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, áp dụng từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt rất nặng.
Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Do đó, những ngày gần đây trên các trang mạng xã hội cũng như thị trường xuất hiện nhiều các loại thuốc, kẹo có tính chất giải rượu được quảng cáo giúp giải rượu thần tốc.
Tuy nhiên, phản hồi về vấn đề này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định là hiện chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng thổi bay nồng độ cồn.
Ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Liên quan đến những lo ngại của người dân về việc sử dụng một số loại thực phẩm, hoa quả có thể để lại nồng độ cồn, trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, trong một số thực phẩm có nhiều đường như: nho, sầu riêng, chuối có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể.
Tuy nhiên, theo ông Quang, hàm lượng cồn có trong trái cây, thực phẩm rất nhỏ và không có tính bền vững so với nồng độ cồn trong máu do rượu bia.
Do vậy, người sử dụng sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu phụ thuộc vào số lượng, mức độ tiêu dùng các sản phẩm. Tuy nhiên, lượng cồn này thường bị phân rã, chuyển hóa ngay trong thời gian ngắn.