Tranh thủ dầu Nga đang rẻ, các nước vùng Vịnh… mua về dùng
Việc vùng Vịnh mua dầu Nga là một bằng chứng về những hệ quả bất ngờ của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, cũng như ảnh hưởng suy giảm của Mỹ ở Trung Đông...
Khi dầu Nga bị các nước phương Tây áp cấm vận và trần giá, Nga phải giảm sâu giá bán dầu để tìm khách mua. Trong bối cảnh như vậy, dầu Nga đã tìm được một đối tượng khách hàng ít ai ngờ tới: những nước sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa khổng lồ ở vùng Vịnh.
Theo tờ Wall Street Journal, mặc sự phản đối của Mỹ, các nước vùng Vịnh mua dầu Nga giá rẻ về để dùng trong nước, và thay vào đó dùng chính dầu của mình sản xuất ra để xuất khẩu ở giá thị trường. Nhờ vậy, lợi nhuận trên mỗi thùng dầu xuất khẩu của các nước này càng lớn hơn.
Các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng trở thành những điểm trung chuyển và giao dịch chủ chốt cho các sản phẩm năng lượng Nga vốn không dễ dàng được vận chuyển trên toàn cầu ở thời điểm này do là đối tượng của các biện pháp trừng phạt.
Việc vùng Vịnh mua dầu Nga, dù đây là khu vực có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, là một bằng chứng về những hệ quả bất ngờ của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, cũng như ảnh hưởng suy giảm của Mỹ ở Trung Đông.
Năm ngoái, xuất khẩu dầu Nga sang UAE tăng gấp hơn 3 lần, đạt kỷ lục 60 triệu thùng - theo dữ liệu từ công ty Kpler. Dầu Nga hiện chiếm khoảng 1/10 số thùng dầu được trữ ở Fujairah, cơ sở trữ dầu lớn nhất của UAE. Tỷ lệ này của dầu Nga chỉ thua dầu diesel của Saudi Arabia - theo dữ liệu từ công ty Argus Media.
Hiện nay, Nga đang xuất khẩu 100.000 thùng dầu mỗi ngày sang Saudi Arabia, theo Kpler, từ chỗ gần như không có gì trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine. Tốc độ xuất khẩu này tương đương 36 triệu thùng/năm.
Dòng dầu Nga chảy sang UAE và Saudi Arabia đã thu hút sự chú ý của giới chức Mỹ, những người cho rằng việc này làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt nguồn thu của Nga. Hồi tháng 2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson đã có chuyên thăm Trung Đông nhằm thuyết phục những nước như Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước vùng Vịnh sẽ dừng nhập dầu Nga.
Saudi Arabia đang ngày càng theo đuổi chính sách năng lượng kiểu dân tộc chủ nghĩa đặt lợi ích quốc gia lên trên những mối lo của Mỹ. Đầu tháng này, Saudi Arabia và đồng minh tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm hỗ trợ giá dầu, mặc Mỹ phản đối rằng giá dầu tăng sẽ giúp ích cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
UAE giữ lập trường trung lập về chiến tranh Nga-Ukraine, cho dù nước này có mối quan hệ đối tác an ninh lâu năm với Mỹ. Sau khi chiến tranh nổ ra, Dubai và các tiểu vương quốc khác trong UAE đã trở thành điểm đến được nhiều công ty công ty và người giàu Nga lựa chọn làm nơi điều hành doanh nghiệp và bảo vệ tài sản khỏi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, thương mại dầu lửa có lẽ mới chính là khía cạnh nhạy cảm nhất của mối quan hệ song phương đang trở nên nồng ấm.
Những tháng gần đây, dầu Urals - loại dầu thô chủ lực của Nga, được giao dịch với mức giá thấp hơn khoảng trên 30% so với giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu. Các loại dầu naphtha và diesel của Nga có giá bán thấp hơn tương ứng 60 USD/tấn và 25 USD/tấn so với các sản phẩm tương tự sản xuất ở vùng Vịnh.
Trong năm qua, Saudi Arabia đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu diesel sang Pháp và Italy, hai nước vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào xăng dầu nhập khẩu từ Nga.
“Thị trường xăng dầu của Saudi Arabia đã được đáp ứng bởi nhiên liệu từ Nga, từ đó giải phóng thêm lượng dầu diesel mà Saudi Arabia có thể xuất khẩu”, nhà phân tích Viktor Katona của Kpler phát biểu.
Hôm 12/3, hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ Saudi Arabian Oil, hay còn gọi là Aramco, báo lãi kỷ lục 161 tỷ USD cho năm 2022, số lãi lớn chưa từng có của một công ty năng lượng.
Về phần mình, UAE đã trở thành một điểm tích trữ và tái xuất khẩu lớn của các sản phẩm dầu Nga. Nhiều nhà giao dịch đã kiếm đậm nhờ bán dầu Nga từ UAE sang những nước như Pakistan, Sri Lanka, và các nước Đông Phi. Các giao dịch này đều dựa vào hệ thống tài chính của UAE. Một số giao dịch dường như diễn ra kín đáo vì giao dịch với Nga là một vấn đề nhạy cảm chính trị.