Triển khai các biệp pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu biên giới
Các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới...
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa Khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, số lượng xe tồn chờ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Thống kê ngày 5/6 cho thấy, số phương tiện chở hàng chờ xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 20 giờ ngày 4/6/2023 là 677 xe, trong đó 495 là xe hoa quả.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị số lượng xe tồn kho cao nhất, tới 520 xe, cửa khẩu Tân Thanh 147 xe (có 76 xe sầu riêng container lạnh), cửa khẩu Chi Ma 10 xe.
Như vậy, có thể thấy các xe tồn chủ yếu là hoa quả, đặc biệt mặt hàng sầu riêng đang vào vụ thu hoạch và mặt hàng này hiện chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế.
PHỐI HỢP VỚI PHÍA TRUNG QUỐC THÚC ĐẨY TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP
Tình trạng ùn tắc cao bắt đầu diễn ra từ tuần cuối tháng 5/2023. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh ưu tiên quan trọng của Bộ Công Thương trong việc duy trì và đảm bảo chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc tạo thuận lợi thông quan nông sản trái cây vào cao điểm vụ thu hoạch vào tháng 6 và tháng 7.
Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thiết lập luồng xanh ưu tiên thông quan cho trái cây, định hướng doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa cửa khẩu biên giới giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, Bộ tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc (Đại sứ quán, Hải quan), chỉ đạo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc.
Cụ thể, trước mắt phân luồng trái cây (sầu riêng) sang thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài để giảm áp lực cho cửa khẩu Hữu Nghị. Phối hợp tuyên truyền tới các doanh nghiệp 2 nước chủ động phân luồng hàng hóa xuất khẩu (đặc biệt là nông sản, trái cây) qua các cửa khẩu biên giới khác đủ điều kiện nhập khẩu trái cây của phía Trung Quốc tiếp giáp các tỉnh Cao Bằng (Tà Lùng, Trà Lĩnh), Quảng Ninh (Móng Cái), Hà Giang (Thanh Thủy) và Lào Cai (Kim Thành).
Tiếp tục giảm thời gian thông quan đối với mỗi xe nông sản. Cũng như kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan phía Trung Quốc đến 21 giờ.
Ngoài ra, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết để chủ động thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi thông quan, phòng tránh tái diễn hiện tượng ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại cửa khẩu biên giới, nhất là trong thời gian cao điểm thu hoạch nhiều loại nông sản, trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc sắp tới, ngày 31/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Dư Kiến Hoa.
Tại Công thư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Tổng cục trưởng Dư Kiến Hoa dành sự quan tâm, chỉ đạo và tạo thuận lợi để Hải quan các địa phương biên giới phía Trung Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ thông quan như tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu, phân luồng thông quan trái cây qua các cửa khẩu đủ điều kiện… từ đó góp phần duy trì ổn định thương mại song phương, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG ĐIỀU TIẾT VIỆC ĐƯA HÀNG
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận C/O cho các doanh nghiệp đổi cửa khẩu xuất khẩu. Đồng thời
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có công văn số 409/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan, trao đổi với các đối tác để giãn tiến độ giao hàng, điều tiết việc đưa hàng lên cửa khẩu. Nhất là cần đẩy mạnh phân luồng thông quan sang các cửa khẩu được Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
Đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về kiểm nghiệm, kiểm dịch, giám sát chất lượng và đăng ký doanh nghiệp theo Lệnh số 248 (lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy khô, đông lạnh cũng cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp).
Khẩn trương trao đổi với các đối tác nhập khẩu hàng phía Trung Quốc để chuyển hướng thông quan qua các cửa khẩu biên giới khác đủ điều kiện nhập khẩu trái cây của phía Trung Quốc tiếp giáp các tỉnh Cao Bằng (các cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh), Quảng Ninh (cửa khẩu Móng Cái), Hà Giang (cửa khẩu Thanh Thủy) và Lào Cai (cửa khẩu Kim Thành) .
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các cơ quan đối tác Trung Quốc để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5/2023 và thúc đẩy các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới hai nước, nhất là với Quảng Tây trong thời gian cao điểm thu hoạch trái cây của Việt Nam.
Được biết, để giảm lượng xe dồn về Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, hiện Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa Khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục trao đổi với phía Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất cho phép mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.