Trùm đa cấp dụ dỗ hơn 68.000 nhà đầu tư nhận “trái đắng”

Đỗ Mến
Chia sẻ

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, sáng 1/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) và 6 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ đồng của 68.000 nhà đầu tư.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi cuối năm 2020.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi cuối năm 2020.

Phiên tòa này được đưa ra xét xử trong các ngày 14-15/7/2022. Sau đó, Hội đồng xét xử đã tạm hoãn để xem xét một số tài liệu rồi ra bản án phúc thẩm vào sáng nay.

Có 5 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), Nguyễn Thị Thủy (cựu Phó Tổng giám đốc), Lê Văn Tú (cựu Tổng giám đốc), Trịnh Xuân Sáng và Vũ Thị Hồng Dung là thành viên nhóm phát triển thị trường.

Trong vụ án này, Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu, với cáo buộc chiếm đoạt hơn 800 tỷ đồng.

HỨA HẸN TRẢ “HOA HỒNG” KHỦNG

Bản án sơ thẩm thể hiện, Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt đều do Giang thành lập và điều hành hoạt động.

Lợi dụng việc công ty được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do công ty BQP sản xuất, từ tháng 3/2014 - 11/2015, Giang cùng đồng phạm cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Liên Kết Việt và Công ty BQP.

Giang và các lãnh đạo của công ty được giới thiệu là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng.

Để tạo lòng tin, Giang còn đặt làm giả bằng khen của Thủ tướng và UBND TP.HCM tặng cho công ty và các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện. Các bị cáo thuyết trình với bị hại chỉ cần đóng tiền, không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng… Các bị cáo còn đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được.

Bằng thủ đoạn trên, đến tháng 11/2015, các bị cáo đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia và nộp hơn 2.091 tỷ đồng vào công ty.

DÒNG TIỀN BẤT CHÍNH CHẢY ĐI ĐÂU?

Bản án sơ thẩm thể hiện, Lê Xuân Giang đã chỉ đạo bộ phận kế toán để thực hiện việc chi số tiền này. Trong số này, các bị cáo đã chi 1.113 tỷ đồng để phát triển cho các nhà phân phối và hoạt động công ty.

Bao gồm chi 869 tỷ đồng hoa hồng; 50 tỷ đồng tổ chức hội nghị, giải thưởng; chi 36 tỷ đồng cho hoạt động công ty gồm công tác hành chính, văn phòng, lương, thưởng; chi 55 tỷ đồng cho các văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý; chi 17 tỷ đồng để trả lại nhà phân phối, thanh lý hợp đồng; chi 82 tỷ đồng để sản xuất hàng hóa; chi 1,7 tỷ đồng để mua huy hiệu, vàng để trả phần thưởng cho nhà phân phối.

Bản thân Lê Xuân Giang đã trực tiếp chi cho Lê Văn Tú số tiền 61,9 tỷ đồng tiền mặt để phục vụ sản xuất. Tú đã tự ý sử dụng số tiền này để góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (viết tắt là IDMA). Ngoài ra, chi 44 tỷ đồng cho nhóm của Nguyễn Thị Thủy.

Riêng Lê Xuân Giang đã sử dụng cá nhân số tiền 862 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ, có 1.876 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản đứng tên Lê Xuân Giang, trong đó có nhiều khoản tiền ghi “nộp tiền” hoặc “chuyển tiền” cho Giang, không thể hiện rõ do nhà phân phối nộp mua sản phẩm hay nộp tiền cho các hoạt động khác.

Mặt khác, Công ty Liên Kết Việt không mở sổ sách theo dõi và hạch toán theo Luật Kế toán. Trước khi vụ án bị khởi tố, Lê Xuân Giang và đồng bọn có hành vi tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, chứng thư nên cơ quan điều tra không thể làm rõ chính xác từng khoản thu, chi.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng 1.121 tỷ đồng. Hiện nay có 6.053 bị hại đã được xác định với số tiền bị chiếm đoạt là 391 tỷ đồng.

GIỮ NGUYÊN BẢN ÁN SƠ THẨM

Quá trình tố tụng, tòa án xác định các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của 5 bị cáo trên.

Theo đó, bị cáo Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) lĩnh án chung thân, Nguyễn Thị Thủy (cựu Phó Tổng giám đốc) lĩnh án 18 năm tù, Lê Văn Tú (cựu Tổng giám đốc) 17 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh trên, bị cáo Trịnh Xuân Sáng và Vũ Thị Hồng Dung là thành viên nhóm phát triển thị trường lần lượt nhận án 16 năm tù và 13 năm tù giam.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên 13 căn hộ chung cư tại CT3 thuộc dự án The Pride mà Công ty Liên kết Việt đã trao thưởng cho 13 nhà phân phối theo chương trình trả thưởng “mã đáo thành công”.

Ngoài ra, còn xác minh và kê biên các tài sản liên quan đến Lê Xuân Giang gồm 1 căn hộ chung cư, 1 căn biệt thư và 1 lô đất tại Khu đô thị Ecopark và 5 căn hộ liên quan đến Nguyễn Thị Thủy.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con