Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên tăng trưởng thấp, từ "con rồng" trở thành "con rùa"?
Các xu hướng cơ bản - bao gồm nhân khẩu học không thuận lợi, khối nợ lớn và tăng trưởng năng suất suy giảm - cho thấy Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng ở mức khoảng 2,5% trong thời gian tới, đây thậm chí đã là một dự báo lạc quan...
Bước vào nhiệm kỳ thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mục tiêu của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển mức trung bình trong thập kỷ tới. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%.
Tuy nhiên, theo Financial Times, các xu hướng cơ bản - bao gồm nhân khẩu học không thuận lợi, khối nợ lớn và tăng trưởng năng suất suy giảm - cho thấy tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc chỉ bằng khoảng một nửa tốc độ đó. Financial Times nhận định Trung Quốc đã từ "con rồng" châu Á trở thành "con rùa" về tăng trưởng.
Với việc chỉ tăng trưởng 2,5%/năm, Trung Quốc khó vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2060 (nếu có thể, trong trường hợp Mỹ tăng trưởng 1,5%/năm và hai nước có tỷ lệ lạm phát tương đương nay cũng như tỷ giá hối đoái ổn định).
Theo các nhà phân tích, tăng trưởng dài hạn của quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều vào lao động cũng như việc sử dụng vốn một cách hiệu quả (năng suất). Trong khi đó, với dân số đang suy giảm và tăng trưởng năng suất đi xuống, Trung Quốc đã cố gắng duy trì tăng trưởng bằng cách bơm thêm vốn vào nền kinh tế với tốc độ thiếu bền vững.
"Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh trong 10 năm trước đại dịch, bình quân 7,7% mỗi năm. Nhưng giờ đây, nước này đối mặt một loạt thách thức lớn, mà theo quan điểm của chúng tôi, đồng nghĩa họ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn đáng kể", Viện đầu tư BlackRock nhận định. "Việc tập trung quá nhiều vào các biện pháp phòng chống dịch mà bỏ qua các vấn đề cơ bản khác sẽ gây ra thách thức lớn cho tăng trưởng của Trung Quốc trong năm sau và nhiều năm tới".
Trung Quốc hiện là quốc gia thu nhập trung bình - giai đoạn mà nhiều nền kinh tế thường bắt đầu tăng trưởng chậm lại do nền tảng so sánh cao. Thu nhập bình quân đầu người của nước này hiện là 12.500 USD/năm, chỉ bằng 1/5 so với Mỹ.
Trên thế giới hiện có 38 nền kinh tế phát triển và tất cả đều vượt qua mức thu nhập bình quân dầu người 12.500 USD từ nhiều thập kỷ trước, sau chiến tranh thế giới thứ 2 và sau đó tăng dần. Chỉ 19 quốc gia trong số này tăng trưởng kinh tế ở mức 2,5% trở lên trong 10 năm sau đó và đạt được điều này nhờ có sự thúc đẩy từ lực lượng lao động (bình quân dân số trong độ tuổi lao động tăng 1,2%/năm).
Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ. Đây là quốc gia thu nhập trung bình lớn đầu tiên duy trì tăng trưởng GDP 2,5% bất chấp sự suy dân số trong độ tuổi lao động - bắt đầu từ năm 2015. Về nợ, trong số 19 quốc gia duy trì tăng trưởng 2,5% sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc, mức nợ (bao gồm nợ chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp) bình quân là 170% GDP. Không quốc gia nào có mức nợ cao như Trung Quốc.
Trước khủng hoảng năm 2008, nợ của Trung Quốc duy trì ở mức khoảng 150% GDP. Nhưng sau đó, nước này bắt đầu bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy tổng tỷ lệ nợ lên 220% GDP vào năm 2015. Nợ nần thường kéo theo suy thoái mạnh và nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc trong những năm 2010, nhưng chỉ giảm từ 10% xuống còn 6% - mức giảm thấp hơn đáng kể so với các mô hình dự báo.
Trung Quốc đã tránh được một cuộc suy thoái sâu hơn nhờ bùng nổ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ, và quan trọng hơn là nhờ việc phát hành thêm nhiều trái phiếu chính phủ. Tổng nợ của Trung Quốc hiện tương đương 275% GDP và phần lớn được đổ vào bong bóng bất động sản.
Mặc dù vốn - chủ yếu là đầu tư vào bất động sản - đã giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 0,7% trong thập kỷ trước. Nước này hiện phải đầu tư 8 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, gấp đôi so với một thập kỷ trước và là mức tồi tệ nhất đối với bất kỳ nền kinh tế nào.
Trong tình hình như vậy, mức tăng trưởng 2,5% sẽ là cả một thành tựu lớn. Tăng trưởng năng suất cơ bản ở mức 0,7% sẽ khó bù đắp cho sự suy giảm dân số.
Trước đó, nhiều nhà kinh tế nổi tiếng dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về danh nghĩa vào năm 2020. Vào năm 2014, một số nhà kinh tế thậm chí tuyên bố rằng Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo sức mua tương đương - một mô hình dựa trên giá trị tiền tệ lý thuyết không có ý nghĩa trong thế giới thực. Những người này lập luận rằng đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp và nhất định sẽ tăng giá so với đồng USD, cho thấy sự thống trị của nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến nay, thực tế là đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm giá trị và nền kinh tế nước này hiện chỉ có quy mô bằng 1/3 so với Mỹ về con số danh nghĩa.
Trung Quốc ngày 24/10 công bố dữ liệu GDP quý 3 với tăng trưởng đạt 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Cục Thống kê Trung Quốc trước đó dự kiến công bố dữ liệu này vào ngày 18/10 nhưng hoãn lại vào phút chót mà không giải thích lý do. Việc hoãn công bố dữ liệu này được cho là nhằm tránh gây xáo trộn thông tin giữa lúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra (từ ngày 16-22/10).
So với quý trước, GDP quý 3 của Trung Quốc tăng 0,4%, đưa mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 3%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm nay.
Theo CNBC, các biện pháp phòng chống dịch Covid nghiêm ngặt, đặc biệt trong quý 2 năm nay, đã tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhiều ngân hàng đầu tư trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của nước này xuống khoảng 3%.
Cùng với dữ liệu GDP, Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại tháng 9 sau khi trì hoãn việc này mà không giải thích lý do hôm 14/10.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của Trung Quốc - động lực chính của tăng trưởng kinh tế nước này - tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 0,3% trong tháng 9.