Trung Quốc kêu gọi thúc đẩy "thịnh vượng chung", khuyến khích người giàu quyên góp nhiều hơn
Vài tháng gần đây, thông điệp về “sự thịnh vượng chung” bắt đầu nổi lên trong các cuộc thảo luận chính trị tại Trung Quốc, thường được hiểu là tài sản ở mức vừa phải cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung ở một số ít...
Chủ trì một cuộc họp về tài chính-kinh tế mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng cần phải thúc đẩy ý tưởng về “sự thịnh vượng chung” - tức tài sản được phân bổ ở mức vừa phải cho tất cả mọi người.
Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc họp diễn ra ngày 17/8 kêu gọi "điều chỉnh một cách hợp lý đối với tình trạng thu nhập cao quá mức, đồng thời khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.
Giới phân tích nhận định, đây chính là động lực đằng sau loạt động thái siết chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ rằng “thịnh vượng chung” không phải là sự thịnh vượng dành cho số ít và cũng không phải là một hình thức phân phối đều tài sản. Và tiến trình hướng tới mục tiêu "thịnh vượng chung" sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
Theo CNBC, vài tháng gần đây, thông điệp về “sự thịnh vượng chung” bắt đầu nổi lên trong các cuộc thảo luận chính trị tại Trung Quốc. Cụm từ này thường được hiểu là tài sản ở mức vừa phải cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung ở một số ít. Tuy nhiên, ý nghĩa của cụm từ này vẫn còn tương đối mơ hồ và thường được dùng như một khẩu hiệu.
Bình luận về vấn đề này, nhà kinh tế trưởng Yue Su tại Economist Intelligence Unit, kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai được khẩu hiện trên trong thực tế bởi việc tăng thuế với nhóm thu nhập cao và lợi nhuận đầu tư có thể sẽ cản trở đầu tư và gây ra tình trạng chảy vốn ra nước ngoài.
“Chính phủ Trung Quốc sẽ không thể hoàn toàn bỏ qua tác động của các chính sách tái phân phối tài sản với nền kinh tế”, bà Su nhận định.
Bà cũng cho rằng việc tư nhân hóa có thể sẽ diễn ra chậm ở nhóm dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hay y tế bởi ít nhất cơ quan chức năng quản lý giá nghiêm ngặt hơn.
Trong vài thập kỷ qua, bất bình đẳng thu nhập tại quốc gia 1,4 tỷ dân ngày càng tăng cao. Năm 2015, 41% tổng thu nhập quốc gia của Trung Quốc nằm trong tay nhóm 10% giàu nhất, tăng từ tỷ lệ 27% của năm 1978, theo một ước tính vào năm 2019 của giáo sư Thomas Piketty và cộng sự tại trường kinh tế Paris School of Economics. Trong khi đó, một nửa dân số thuộc nhóm thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 15% tổng thu nhập quốc gia, giảm từ tỷ trọng 27% năm 1978.
Theo số liệu thống kê chính thức năm 2021, thu nhập khả dụng đầu người bình quân của người dân tại thành phố Thượng Hải là 7.058 Nhân dân tệ (1.091 USD) một tháng, cao gần gấp đôi so với mức 4.021 Nhân dân tệ của các thành phố khác trên cả nước và gấp 4,5 lần so với mức 1.541 Nhân dân tệ tại khu vực nông thôn.
Cuối năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã "chiến thắng hoàn toàn" trong chiến dịch xóa nghèo cùng cực tại quốc gia này. Điều này đánh dấu bước đầu tiên trong việc triển khai các cam kết lâu dài hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại một sự kiện vào cuối tháng 2 năm nay, ông Tập Cận Bình khẳng định việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói là đóng góp then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả về mọi mặt.
Theo truyền thông Trung Quốc, sau 8 năm, nước này đã đưa gần 100 triệu người tại các vùng nông thôn thoát nghèo, đạt mục tiêu xóa nghèo cùng cực trước 10 năm so với thời hạn của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc định nghĩa nghèo cùng cực ở nông thôn là nhóm người có thu nhập bình quân dưới 4.000 Nhân dân tệ (620 USD) mỗi năm, tương đương khoảng 1,52 USD/ngày. Trong khi đó, ngưỡng nghèo cùng cực trên toàn cầu mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra là thu nhập 1,9 USD/ngày.