Trung Quốc là điểm sáng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023
Trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo suy giảm tăng trưởng trong năm 2023, Trung Quốc là một điểm sáng tăng trưởng dù vẫn đang trải qua quá trình phục hồi "gập ghềnh" hậu Covid-19...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,1 điểm phần trăm trong năm 2023. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố ngày 11/4, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,8% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 1.
“Những dấu hiệu vào đầu năm cho thấy nền kinh tế có thể ‘hạ cánh mềm’ - với lạm phát giảm và tăng trưởng ổn định - đã giảm bớt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao và sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính thời gian gần đây”, báo cáo chỉ ra.
Dù lạm phát đã hạ nhiệt phần nào, nhưng các yếu tố gây áp lực lên giá cả vẫn còn. Trong khi đó, những tác động tiêu cực từ việc lãi suất tăng đang ngày càng nổi lên, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh lạm phát, nhiều vấn đề đè nặng lên nền kinh toàn cầu năm 2022 - gồm mức nợ cao, chiến tranh ở Ukraine cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng - được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. Điều này tiếp tục gây ra bất ổn và “phủ mây đen” lên triển vọng tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 và kỳ vọng phục hồi trong hoạt động kinh tế tại quốc gia này là điểm sáng tích cực. Điều này vẫn mang lại cú huých cần thiết cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu, dù con đường phục hồi của Trung Quốc được dự báo còn nhiều trắc trở.
Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại không chỉ mang lại tác động lan tỏa tích cực cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch từ Trung Quốc, mà còn giúp giảm bớt những áp lực về nguồn cung đã cản trở nền kinh tế toàn cầu suốt 3 năm qua - báo cáo của IMF chỉ ra.
Biểu đồ dưới đây cho thấy, Trung Quốc và Nhật là hai nền kinh tế duy nhất trong 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, tăng từ 3% của năm 2022.
"Khi các đợt sóng dịch Covid lắng xuống hồi tháng 1, hoạt động đi lại ở Trung Quốc đã trở lại bình thường và các chỉ số kinh tế như doanh số bán lẻ, đặt dịch vụ du lịch, đã bắt đầu tăng lên", báo cáo của IMF viết.
Ngược lại, các nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở châu Âu, được dự báo sẽ suy giảm tăng trưởng đáng kể.
"Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển được dự báo suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2023", báo cáo của IMF viết. "Với sự suy giảm đáng kể, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, bình quân tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2022-2024".
Biểu đồ dưới đây sử dụng dự báo tăng trưởng GDP thực tế mới nhất của IMF đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2023.