Trung Quốc siết quản lý thuế bằng dữ liệu lớn và AI, giới giàu nơm nớp lo sợ
Cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới giàu Trung Quốc mới đây được phen lo lắng sau khi chính phủ nước này giới thiệu hệ thống giám sát thuế được ví như một “cỗ máy X quang khổng lồ”, có khả năng lưu trữ lượng lớn dữ liệu cá nhân và tài chính...
Theo tờ SCMP, nằm trong nỗ lực thắt chặt giám sát thu thuế, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hệ thống Thuế vàng IV (Golden Tax IV), theo đó dữ liệu hoạt động kinh doanh của các công ty, cùng thông tin từ chủ sở hữu, giám đốc điều hành, ngân hàng và nhiều cơ quan quản lý thị trường được liên thông với nhau và cơ quan quản lý thuế có thể truy cập, xem xét kỹ lưỡng.
QUẢN LÝ THUẾ QUA DỮ LIỆU LỚN, ĐÁM MÂY VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)
“Chúng tôi đã hoàn thành thiết kế và đưa ra các chiến lược cũng phương pháp tiếp cận để cho ra mắt Golden Tax IV”, Wang Jun, người đứng đầu Cơ quan Thuế Nhà nước Trung Quốc cho biết tại cuộc họp thường niên về công tác thuế vào tháng trước. “Với việc nâng cấp hệ thống, chúng tôi sẽ chuyển đổi từ ‘quản lý thuế qua hóa đơn’ sang ‘quản lý thuế qua dữ liệu lớn và đám mây’”.
Ông Jun cho biết đây là một cải cách lớn trong lĩnh vực thuế mà nhiều quốc gia khác có thể tham khảo.
Đầu năm nay, Cơ quan Thuế Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ “không dung thứ” cho các đối tượng trốn thuế. Trong khi đó, các sở thuế địa phương đang đẩy mạnh nỗ lực xử phạt những người vi phạm luật thuế, trong đó nhiều người bán hàng qua hình thức phát trực tiếp (livestream) đã bị phạt hàng trăm triệu USD vì trốn thuế.
Thuế là một trong 6 cách tiếp cận chính nhằm đạt được “thịnh vượng chung” – sáng kiến mới của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội.
Ra đời vào những năm 1990, phiên bản cải cách đầu tiên của hệ thống Gold Tax là sáng kiến dùng hóa đơn điện tử cho thuế giá trị gia tăng (VAT). Phiên bản hiện tại, Golden Tax III, tích hợp dữ liệu thuế quốc gia và địa phương, trong khi phiên bản thế hệ thứ tư sẽ giảm sát hoạt động của các doanh nghiêp ở mức chi tiết chưa từng có trước đây.
“Việc này sẽ giúp các cơ quan thuế không chỉ kiểm tra được các hóa đơn mà còn cả hoạt động kinh doanh, vốn, nhân sự và các dữ liệu khác của doanh nghiệp. Nhờ đó, cơ quan thuế có thể dễ dàng phát hiện các hành vi trốn thuế doanh nghiệp”, nhà phân tích Joey Zhang của hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, nhận định trong một báo cáo vào tháng trước.
Theo ông, Trung Quốc quyết tâm xây dựng hệ thống thuế thông minh dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ đám mây và AI trong vòng 5 năm tới.
“Cuối cùng, thông qua chia sẻ thông tin và phân tích dữ liệu lớn, cơ quan thuế có thể có được bức tranh dữ liệu chính xác của từng doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế. Cải cách này chắc chắn sẽ gây ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc”, ông Zhang nhận xét.
NƠM NỚP LO SỢ TRƯỚC "MÁY X QUANG KHỔNG LỒ"
Bắc Kinh hiện chưa công bố ngày ra mắt hệ thống thuế nâng cấp, dù các nhà phân tích thuế dự báo rằng việc này sẽ diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, viễn cảnh bị siết chặt quản lý thuế hơn khiến nhiều người - từ giới chủ doanh nghiệp, luật sư cho tới giới giàu - nơm nớp lo sợ.
“Nhiều doanh nhân gọi hệ thống thuế mới là một máy X quang khổng lồ”, Zeng Liaoyuan, Phó Giáo sư về kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết. “Tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc có sức mạnh công nghệ để nắm được tất cả dữ liệu họ cần từ các cơ quan chính phủ và phương tiện truyền thông xã hội”.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc ở mức độ nào còn phụ thuộc vào những cân nhắc về mặt chính trị và xã hội.
“Đó không chỉ là vấn đề về thuế. Họ phải xem xét tác động vì nhiều công ty đang phải vật lộn để tồn tại giữa đại dịch”, vị Phó Giáo sư nhận định.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của nước này đang suy yếu khi tăng trưởng quý 4/2021 giảm xuống còn 4%, từ mức 4,9% của quý 3 và 7,9% quý 2. Cả năm 2021, tăng trưởng GDP của nước này đạt 8,1%. Tuy nhiên, do tác động chính sách chống dịch Zero Covid (không Covid), khủng hoảng địa ốc, việc siết kiểm soát với lĩnh vực công nghệ..., tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,9%.
Để hỗ trợ 44 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 90% việc làm cả nước, năm ngoái Chính phủ Trung Quốc đã nâng ngưỡng nộp thuế VAT trên doanh thu lên 150.000 Nhân dân tệ (23.600 USD), từ mức 100.000 Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, việc chính phủ gia tăng các biện pháp quản lý thuế khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng thêm lo lắng trong bối cảnh họ vốn đã phải chịu áp lực lớn hơn từ các ngân hàng – đối tượng phải tuân thủ các yêu cầu mới trên hệ thống thuế Golden Tax IV.
“Các nhà sản xuất nhỏ và vừa chúng tôi hiện rất mệt mỏi với việc phải đi lại nhiều lần tới các ngân hàng do tài khoản ngân hàng của chúng tôi bị đóng băng”, Bob Yao, chủ một hãng sản xuất công nghiệp tự động, chia sẻ. “Hầu hết những chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận thanh toán quả thẻ ngân hàng cá nhân suốt nhiều năm cho cả đơn hàng trong nước và nước ngoài. Gần đây, các ngân hàng liên tục yêu cầu chúng tôi giải thích dòng tiền, kể cả với các khoản 20.000-30.000 nhân dân tệ từ 3-4 năm trước. Và nếu chúng tôi không thể giải thích chi tiết, ngân hàng sẽ chuyển các thông tin này cho cơ quan thuế địa phương”.
John Pan, một người bán đá ngọc bích qua mạng xã hội và ứng dụng thanh toán di động WeChat, cho biết các nhà buôn nhỏ kinh doanh và tiếp thị trên nền tảng trực tuyến như anh đang rất lo lắng.
“Tôi thường gửi hình ảnh ngọc bích trên WeChat Moments để thu hút khách hàng và sử dụng WeChat Pay hoặc Alipay để thu tiền từ khách, sau đó chuyển phát nhanh hàng cho họ”, Pan cho biết. “Hầu như không khách hàng nào yêu cầu tôi xuất hóa đơn cho họ cả, và tôi cũng không lấy hóa đơn từ nhà cung cấp”.
Pan thường chia sẻ ảnh chụp màn hình các khoản thanh toán điện tử của khách hàng để thu hút nhiều đơn đặt hàng hơn, nhưng giờ anh đang sợ rằng cơ quan thuế sẽ điều tra tài khoản WeChat của mình.
Giới giàu Trung Quốc cũng đang đối mặt với hóa đơn thuế lớn hơn trong năm nay và mối lo sợ càng thêm lớn với chiến dịch “thịnh vượng chung”.
“Tôi rất lo lắng về tác động của dự án Golden Tax IV với ngành của mình. Nếu có sự thay đổi lớn với nghề luật, có nghĩa là hầu hết luật sư ở Trung Quốc sẽ phải tính toán lại mức thu nhập thực tế của mình và con số này chắc chắn thấp hơn nhiều so với trước đây”, Alice Luo, một luật sư tại Quảng Đông, cho biết.
Lou cho biết, trong ngành luật ở Trung Quốc, khoảng 15-25% phí luật sư cho mỗi vụ thường được trích cho công ty luật dưới dạng tiền hoa hồng, sau khi trừ đi chi phí, khoảng 50-60% còn lại là thu nhập của luật sư. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều luật sư thường sử dụng các hóa đơn khác nhau để tăng chi phí xử lý vụ án nhằm giảm thiểu mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Trong bối cảnh đó, nhiều người trong giới thượng lưu Trung Quốc đang tìm cách di cư hoặc nhập quốc tịch nước ngoài để được hưởng các chính sách thuế thông thoáng hơn đối với tài sản và tài sản thừa kế ở nước ngoài.
“Rõ ràng Bắc Kinh đang thúc đẩy nỗ lực quản lý đối với các cá nhân thu nhập cao, một phần quan trọng trong chiến lược thịnh vượng chung”, Echo Liang, một đại lý hỗ trợ người giàu Trung Quốc nhập cư và dầu tư ở nước ngoài. “Nếu thuộc nhóm thu nhập cao, chắc chắn bạn sẽ lo sợ điều này”.
Liang cho biết số lượng khách hàng tìm đến bà để tư vấn về cách tạo tài khoản và mở công ty ở nước ngoài ngày càng tăng.
“Thành thật mà nói, việc này bây giờ tốn kém và khó hơn nhiều so với 2-3 năm trước đây”, bà Liang cho biết và nhận định trong vòng 2 năm tới, nhu cầu quản lý tài sản và lên kế hoạch thuế nhằm bảo vệ tài sản ở Trung Quốc sẽ tăng lên.