TS. Chử Văn Lâm: Kinh tế Việt Nam đang trong "mùa gió chướng", cần phải giữ ấm để khỏe mạnh hơn
Khái niệm “cơn gió ngược” chúng ta mới gọi để phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian gầy đây, nhưng người Việt Nam chúng ta cũng đã quen với những “mùa gió chướng”, chúng ta cần chuẩn bị giữ ấm như thế nào, sử dụng những phương tiện gì, để có thể vượt qua và trở nên mạnh khỏe hơn....
Phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam do VnEconomy tổ chức sáng 11/1, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy, nhấn mạnh từ một sáng kiến nhằm phát huy vai trò của báo chí truyền thông kinh tế trong việc thiết lập đa kênh thông tin, hội tụ các bên liên quan cùng bàn thảo về những vấn đề quan trọng, thiết thực và cấp bách của nền kinh tế, đến nay, Diễn đàn đã trở thành kênh thông tin chính thức, được các cơ quan hoạch định và quản lý chính sách cũng như giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Ban Biên tậpTạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy, cũng như sự quan tâm, đồng hành, luôn sẵn sàng chia sẻ và phản hồi thông tin của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý; sự đóng góp nhiệt thành của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế; và đặc biệt sự chia sẻ hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp.
Hội tụ tất cả những yếu tố và giá trị cốt lõi đó, đã tạo nên thành công và chất lượng của Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên trong suốt 15 năm qua.
Năm 2022 đã khép lại, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu của năm 2022 về cơ bản chúng ta đã hoàn thành và vượt mức hoàn thành. Điều này đã thể hiện sự đúng đắn trong chủ trương định hướng của lãnh đạo Đảng, sự quyết tâm cao và hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, sự đồng hành bám sát kịp thời của Quốc hội, cùng nỗ lực vượt bậc của các cấp bộ ngành, từ trung ương đến địa phương, và đặc biệt là sự bền bỉ kiên cường vượt khó, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Với tinh thần và bản lĩnh đã được tôi rèn và trụ vững trong nhiều hành trình đã qua và đặc biệt trong 3 năm gần đây, là nền tảng để chúng ta tự tin đối mặt với những thách thức đang và sẽ diễn ra.
Năm 2023 được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý 4 năm 2022.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có những cơn gió ngược mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Những vấn đề này đều đã được Chính phủ Việt Nam dự liệu và chuẩn bị những kịch bản khác nhau để ứng phó. Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu tăng trưởng và thể hiện rõ thông điệp cũng như định hướng các chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong năm 2023.
Khái niệm “cơn gió ngược” chúng ta mới gọi để phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian gầy đây, nhưng người Việt Nam chúng ta cũng đã quen với những “mùa gió chướng” hay “những cơn gió mùa đông bắc tràn về” và biết rằng với những cơn gió đó, chúng ta cần chuẩn bị giữ ấm như thế nào, sử dụng những phương tiện gì, để có thể vượt qua và trở nên mạnh khỏe hơn.
Điều này không chỉ khái quát mang tính hình tượng, mà trên thực tế sẽ là như vậy, dù cơn gió ngược là tự nhiên có tác động vật lý hay những cơn gió ngược từ những vấn đề rủi ro liên quan đến các yếu tố địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, cũng đều cần sự dự báo, lường trước và chuẩn bị các phương án thích ứng phù hợp.
Đó cũng là mục tiêu của Diễn đàn thường niên lần thứ 15 Kịch bản Kinh tế Việt Nam hôm nay, VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm hội tụ sự tham gia và cùng chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp.
"Chúng tôi kỳ vọng, Diễn đàn này cũng như nối tiếp các Diễn đàn Kinh tế của Ban Kinh tế Trung ương vừa mới tổ chức gần đây, sẽ cập nhật tiếp theo các diễn biến mới nhất để các bên cùng thảo luận, đưa ra những nhận định sắc nét hơn và cùng đề xuất những giải pháp có tính thiết thực và hiệu quả nhất", TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thử thách”, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm nay sẽ được cấu trúc thành 2 phiên, trong đó đặc biệt là Phiên tranh biện giữa các chuyên gia kinh tế về nhận định các chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển tình thế của Việt Nam. Sau đó, sẽ là Phiên thảo luận về từng vấn đề cấp thiết nhất liên quan đến hoạt động của các ngành, các thị trường và khu vực doanh nghiệp để thấy rõ được, tính chủ động và khả năng vượt qua thử thách ra sao.
Với những giá trị thông tin đó, kỳ vọng Diễn đàn sẽ đáp ứng được một phần cơ bản nhu cầu nắm bắt thông tin và cập nhật diễn biến của bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, làm cơ sở tham khảo để chủ động hơn cho các chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
"Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin khai mạc Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 và trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giáo đã luôn đồng hành phối hợp tổ chức, cảm ơn đại diện các cơ quan bộ ngành, các địa phương, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đã dành sự quan tâm và tham dự đóng góp ý kiến cho Diễn đàn. Tôi cũng trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành: Ngân hàng VietinBank nhà tài trợ vàng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) – nhà tài trợ Bạc và các thương hiệu Tập đoàn Tân Long, Habeco, Tập đoàn Nam Long", Tổng biên Tập Chử Văn Lâm phát biểu khai mạc diễn đàn.