Tỷ giá đồng yên giảm sát mức quan trọng, thị trường “nín thở” chờ Nhật Bản can thiệp
Sau tín hiệu cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá đồng yên tiếp tục trượt giảm so với đồng USD...
Sau tín hiệu cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá đồng yên tiếp tục trượt giảm so với đồng USD, về sát ngưỡng quan trọng 150 yên/USD. Diễn biến này khiến thị trường tài chính cho rằng một động thái can thiệp của nhà chức trách Nhật Bản nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ có thể đang đến rất gần.
Sáng nay (21/9), Tokyo cũng đưa ra cảnh báo về việc có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chánh thư ký nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng nước này không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào để giải quyết tình trạng biến động tỷ giá quá mức.Ông Matsuno cũng nói ông hy vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - cơ quan có cuộc họp chính sách tiền tệ trong hai ngày kết thúc vào ngày thứ Sáu - sẽ có chính sách phù hợp để đạt mục tiêu lạm phát 2%.
“Điều quan trọng là các đồng tiền cần ổn định, phản ánh đúng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế”, ông Matsuno nói tại một cuộc họp báo thường kỳ, khi ông được hỏi về tình trạng mất giá gần đây của đồng yên.
“Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi các diễn biến trên thị trường tiền tệ theo tinh thần cấp bách cao độ, và sẽ phản ứng phù hợp, không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”, ông nói.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 20/9, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%, nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần trong thời gian còn lại của năm nay và phát tín hiệu giữ lãi suất cao hơn lâu hơn trong năm 2024.
Sau sự tạm dừng cứng rắn này của Fed, tỷ giá đồng yên sáng nay (21/9) có lúc giảm xuống mức 148,4 yên đổi 1 USD, cách không xa mức 150 yên/USD được xem là giới hạn để Bộ Tài chính Nhật Bản có động thái can thiệp.
Tuyên bố mà ông Matsuno đưa ra đồng điệu với phát biểu của ông Masato Kanda - nhà ngoại giao tiền tệ cấp cao nhất của Nhật Bản. Hôm 20/9, ông Kanda nói nhà chức trách “sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào nếu tỷ giá còn biến động quá mức”.
Ông Kanda cũng nói Chính phủ Nhật Bản đang giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Mỹ trong vấn đề tỷ giá. Trước đó, Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng bất kỳ sự can thiệp nào cũng nên nhằm mục tiêu giảm bớt biến động thay vì ảnh hưởng đến mức tỷ giá cụ thể.
Đồng yên yếu mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, vì giúp hàng hoá Nhật cạnh tranh tốt hơn ở nước ngoài và doanh nghiệp Nhật có được lợi nhuận cao hơn khi đổi từ ngoại tệ sang nội tệ. Tuy nhiên, đồng yên yếu đang là một vấn đề chính trị khiến Chính phủ Nhật Bản “đau đầu” vì làm giảm sức mua của các hộ gia đình, đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, khi đồng yên rớt giá xuống mức gần 152 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất 32 năm.
Dưới sức ép phải xử lý ảnh hưởng từ sự mất giá của đồng yên, BOJ hồi tháng 7 đã nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm cho phép lãi suất dài hạn tăng lên, phản ánh chính xác hơn triển vọng lạm phát.
Theo hãng tin Reuters, nhiều nhà phân tích hiện đang dự báo BOJ ngày thứ Sáu sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ ở trạng thái siêu lỏng lẻo, và họ sẽ tập trung vào bất kỳ tín hiệu nào từ Thống đốc Kazuo Ueda về khung thời gian mà BOJ có thể tăng lãi suất trong tương lai.
Ở Nhật Bản, Chính phủ thay vì ngân hàng trung ương giữ vai trò quyết định đối với chính sách tỷ giá. Do vậy, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ là cơ quan ra quyết định có can thiệp hay không vào thị trường ngoại hối, và thời điểm nào phải can thiệp.