Ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ngành công thương
Bức tranh nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những gam màu sáng nổi bật, không chỉ cơ bản đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Việt Nam hiện đã vươn ra thị trường thế giới...
Báo cáo mới đây của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất (44%) là các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ; tỷ lệ các tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%); tiếp theo là khối các viện nghiên cứu ngoài Bộ (chiếm 10%), các trường đào tạo trong và ngoài Bộ (chiếm 6%); các đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%).
Không chỉ vậy, các đơn vị đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước để hoàn thiện, phát triển công nghệ sản xuất, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tạo cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất kinh doanh.
Đơn cử trong ngành điện, các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp của sản xuất. Doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV, một số máy biến áp cấp điện áp 500kV.
Đồng thời, tích hợp, làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và sản xuất nhiều linh phụ kiện cho các công trình lưới điện truyền tải... quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa với các giải pháp lưới điện thông minh.
Trong đó, giải pháp “Nghiên cứu tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành trạm phân phối có cấp điện áp đầu ra đến 500kV và tích hợp hệ thống nhị thứ cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” được coi là bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, thiết kế, chế tạo trong nước.
Với ngành dầu khí, công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”; công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, dự án đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 3 và Tam Đảo 5 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản cũng đã góp phần thay đổi diện mạo ngành than theo hướng hiện đại. Tiêu biểu là các giải pháp: Áp dụng công nghệ sấy than bùn sau lọc ép giảm độ ẩm than bùn <10% và pha trộn thành than cám đạt tiêu chuẩn quốc gia tại Công ty Tuyển than Cửa Ông; hệ thống sàng đa mặt dốc hiệu suất cao tại Trung tâm Chế biến than Hòn Gai; Dự án Nhà máy sàng tuyển than Khe Chàm giúp nâng cao hiệu suất,cải thiện môi trường làm việc...
Hay trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các công trình nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến... xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất cũng chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Công trình “Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu” đã đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước như Australia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…
Đặc biệt, theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, thông qua triển khai “Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”, các doanh nghiệp đã có khả năng làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất.
Dự án “Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” đã giúp chủ động nguồn nguyên vật liệu sản xuất cáp quang cung cấp cho thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hiệu quả đối với từng mô hình điểm là hết sức rõ nét.
Theo kết quả khảo sát, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ rất hiệu quả. Trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng...
Bên cạnh đó, Dự án đã bước đầu hỗ trợ hình thành mạng lưới chuyên gia, đơn vị tư vấn, hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Thành công từ dự án đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, hình thành và lan tỏa phong trào năng suất trong toàn ngành.