Vàng trượt giá trong lúc chờ báo cáo CPI Mỹ
Giá vàng thế giới giảm trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát trong tuần này - một điểm dữ liệu quan trọng trong việc định hình kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)...
Những phát biểu thận trọng gần đây của giới chức Fed đặt ra khả năng ngân hàng trung ương này giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, gây sức ép mất giá đối với vàng.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Hai (12/2), giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm khoảng 5 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,2%, chốt ở mức 2.020,5 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 59,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Tuần này, các kỳ vọng về lãi suất sẽ tiếp tục bị chi phối bởi số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Trong đó, quan trọng nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Ba. Ngoài ra, còn có các số liệu quan trọng khác công bố vào ngày thứ năm và thứ Sáu, bao gồm doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, số nhà mới khởi công, và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI).
Biến động kỳ vọng lãi suất sẽ tác động tới tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến giá vàng - một tài sản được định giá bằng đồng USD và không mang lãi suất.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang tin kim loại quý Kitco News nhận định đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed có thể bị đẩy sang nửa sau của năm nay, vì các số liệu thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá mạnh để Fed giảm lãi suất vào tháng 5. Ông Wyckoff nói thêm rằng sức hấp dẫn của vàng đang giảm vì xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.
“Chúng tôi đang kỳ vọng lạm phát tháng 1 tiếp tục giảm, và nếu kỳ vọng đó không trở thành hiện thực, áp lực giảm đối với giá vàng sẽ gia tăng”, ông Wyckoff nhận định.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giới chuyên gia dự báo CPI toàn phần tháng 1 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước, còn CPI lõi tăng 0,3%.
Phát biểu trong tuần trước, một loạt quan chức Fed - bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell - nói rằng họ muốn chờ cho tới khi có thể thực sự tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm về 2% một cách bền vững mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 57% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5.
Theo chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities, dù Fed chưa giảm lãi suất, nhu cầu vàng vật chất và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương sẽ là những nhân tố đưa giá vàng đạt tới mức bình quân 2.200 USD/oz trong quý 2 năm nay.
Nhà phân tích cấp cao Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết ngân hàng trung ương của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng dự trữ vàng trong tháng 1 năm nay.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Gopaul cho biết Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) mua ròng 9 tấn vàng tháng trước, đánh dấu tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Dự trữ vàng chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12 tấn, đạt 552 tấn, chỉ thấp hơn 6% so với mức kỷ lục 857 tấn thiết lập vào tháng 2/2023 - theo ông Gopaul.
Giới phân tích theo dõi chặt chẽ các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới dự trữ vàng của nước này, bởi năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là ngân hàng trung ương bán nhiều vàng nhất thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 6/2023 đến nay, nước này đã liên tục mua ròng vàng trở lại.
Theo dữ liệu từ WGC, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 1.037 tấn vàng trong năm 2023, chỉ ít hơn 45 tấn so với mức mua ròng kỷ lục ghi nhận trong năm 2022. Lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trong 2 năm qua lớn gấp đôi so với xu hướng bình quân của 10 năm. Tuy nhiên, WGC dự báo lượng mua ròng vàng của khối này sẽ giảm trở lại trong năm nay, về ngưỡng bình quân dài hạn.