VCB có nguy cơ thủng đáy, mốc 1.400 điểm vượt tầm tay
Thị trường giao dịch khá tốt trong phiên sáng nay với độ rộng nổi bật, kể cả ở nhóm blue-chips. Thế nhưng nỗ lực của nhiều cổ phiếu đã bị cản bước bởi VCB, BID và VHM...
Thị trường giao dịch khá tốt trong phiên sáng nay với độ rộng nổi bật, kể cả ở nhóm blue-chips. Thế nhưng nỗ lực của nhiều cổ phiếu đã bị cản bước bởi VCB, BID và VHM.
VN-Index một lần nữa vượt qua ngưỡng 1400 điểm từ khoảng sau 10h đến 10h30. Lúc 11h04 chỉ số tiếp tục chạm tới một lần nữa. Tuy nhiên kịch bản cũ đã lặp lại, khi các blue-chips lớn tước đi cơ hội bùng nổ thật sự.
VCB là mã có “tội” to nhất sáng nay, khi liên tục giảm giá mạnh. Cả hai đỉnh của VN-Index buổi sáng cũng chính là hai đỉnh của VCB trong phiên. Cổ phiếu này giảm giá 1,04% khiến VN-Index mất xấp xỉ 1 điểm. Điều quan trọng hơn là 1 điểm đó ngăn chỉ số vượt qua mốc 1.400.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay gây sức ép đáng kể ở VCB khi bán ra 442.900 cổ phiếu và chỉ mua vào 34.000 cổ phiếu. Tính ra khối lượng bán của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 87% thanh khoản mã này. Giá trị bán ròng với VCB khoảng 39 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay không quá kém, vẫn giữ độ phân hóa về giá. Tuy vậy các mã tăng chủ đạo là ngân hàng nhỏ. Nhóm vốn hóa lớn nhất thì ngoài VCB, còn BID giảm 0,87%. Các mã tăng là MSB, OCB, ABB, TPB, STB, SGB, BAB, SHB VPB, MBB, TCB.
VCB hiện vẫn là cổ phiếu yếu nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên nhiều phương diện. Từ đầu tháng 10 tới nay VCB giảm giá 1,85% trong khi cổ phiếu yếu như BID cũng còn tăng được 0,63%. Trong nhóm, cũng chỉ duy nhất VCB là đang “nằm bẹp” ở vùng đáy thấp nhất 8 tháng. Với quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường, nếu VCB thủng đáy, đó sẽ là áp lực rất lớn lên chỉ số.
VN-Index tuột mất cơ hội “lần thứ n” để vượt 1.400 điểm sáng nay cũng không hẳn chỉ vì VCB hay BID. Các trụ khác cũng quá kém như VHM giảm 0,5%, HPG giảm 0,17%, GAS giảm 0,35%. VIC, VNM không tăng nổi. Trụ tăng tốt nhất là MSN, trên tham chiếu 1,49%. Vốn hóa mã này cũng chỉ ở cuối Top 10 nên chỉ giúp VN-Index có 0,6 điểm. Những cổ phiếu khác tăng hơn 1% như VRE, PNJ, PDR, TPB thì càng nhỏ hơn nữa.
Hai nhóm cổ phiếu khá nóng hôm qua là bảo hiểm và chứng khoán, sáng nay suy yếu và phân hóa. Cổ phiếu chứng khoán chỉ có vài mã nhỏ là tăng rõ như PSI, FTS, VIG, còn các blue-chips lại rất kém: SSI giảm 1,22%, HCM giảm 0,64%, VCI tham chiếu, VND giảm 0,75%... Nhóm bảo hiểm còn PRE, ABI, AIC, BLI tăng, trong khi BVH giảm 0,49%, BMI giảm 0,37%, MIG giảm 0,71%, BIC giảm 0,98%, VNR giảm 1,01%...
Nhóm cổ phiếu duy nhất còn tăng mạnh và đồng đều là hóa chất, phân bón. PSW, PSE, PCE tăng kịch trần; PMB, DPM, DCM, DGC tăng trên 3%...
Nhìn chung hiện tượng suy yếu ở một số nhóm cổ phiếu “hot” là diễn biến bình thường do liên tục có áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên đến khi kết quả kinh doanh được phản ánh vào giá, các nhóm này cần có động lực mới để tăng tiếp. Cổ phiếu chứng khoán là bằng chứng sớm.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,17% hay 2,37 điểm so với tham chiếu và vẫn có 233 mã tăng/181 mã giảm. VN30-Index tăng 0,23% với 15 mã tăng/10 mã giảm. Midcap tăng 0,49% với 39 mã tăng/27 mã giảm. Smallcap tăng 0,89% với 96 mã tăng/69 mã giảm.
Như vậy độ rộng vẫn tích cực thể hiện sự phân hóa trên bình diện chung. VN-Index lên xuống trong ngày chịu tác động chủ yếu từ các mã vốn hóa lớn. Sàn HoSE vẫn có 16 cổ phiếu kịch trần, nhiều mã thanh khoản rất lớn như HQC, JVC, QBS, TTF, TNI, HID...
Giao dịch sôi động tập trung vào các mã nhỏ nên thanh khoản có phần yếu. Sáng nay hai sàn giảm giao dịch 7% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 11.114 tỷ đồng. VN30 giảm giao dịch 5%, đạt 3.697 tỷ đồng. TCB vươn lên thành mã thanh khoản lớn nhất với 12,7 triệu đơn vị được giao dịch, tương đương giá trị 676,4 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng dữ dội tại NLG với 144 tỷ, HPG với 125 tỷ. Nhóm VIC, VHM, VCB, SSI, NVL, KBC bị bán ròng từ 30 tỷ đến 58 tỷ đồng. Tính riêng cổ phiếu VN30, mức bán ròng lên tới 405 tỷ đồng trong tổng bán ròng 539 tỷ đồng cả sàn HoSE. DPM là cổ phiếu duy nhất được mua ròng đáng kể, cũng chỉ đạt hơn 23 tỷ đồng.