Vẻ đẹp tĩnh lặng xanh biếc của Biển Hồ Pleiku
Biển hồ Tơ Nưng còn có tên gọi là hồ EaNueng, nằm trên độ cao hơn 8.000m, chỉ cách trung tâm thành phố núi Pleiku gần 10km với bạt ngàn hoa ban màu sữa tạo nên những nét chấm phá lung linh giữa không gian xanh biếc. Vùng cao nguyên bazan đất đỏ này có được nhiều "viên ngọc bích" thật là đẹp. Hồ Xuân Hương nằm giữa TP. Đà Lạt, hồ Lăk nằm bên thị trấn Liên Sơn. Nhưng Biển Hồ ở Pleiku lại có cái ưu điểm mà hai hồ kia không có được: không quá xa để ta dễ tham quan thưởng ngoạn, cũng không quá gần dễ bị ảnh hưởng khói bụi chốn phồn hoa. Biển Hồ có vẻ đẹp quanh co, nhấp nhô của núi đồi bao bọc, có rừng thông soi bóng bên hồ và còn giữ được nét hoang sơ, tĩnh lặng cần có để thả hồn mà ngắm cảnh bóng núi mây trời.Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km, Biển Hồ có làn nước xanh quanh năm, được ví như viên ngọc của đại ngàn Trường Sơn. Biển Hồ gần như không bao giờ cạn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Danh thắng Biển Hồ, thuộc quần thể Khu Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya, có một dải đất chạy dài đến giữa lòng hồ mang đến cho du khách tầm nhìn toàn cảnh, với rừng thông xanh mát hai bên lối đi.Thật vậy, cảnh đẹp tự nhiên của Biển Hồ cũng giống như vẻ đẹp hoang dại, hồn nhiên của một nàng sơn nữ giữa rừng núi đại ngàn. Biển Hồ là tên do người Kinh đặt cho - có nghĩa là hồ nước mênh mông như biển - còn đồng bào Thượng thì gọi là hồ To-nueng - đọc là "Tơ- nưng". Nếu bạn theo QL14 từ Pleiku đi Ban Mê Thuột thì phải đi ngang qua chân núi Hàm Rồng, có thể thấy rõ rừng thông xanh ven sườn núi và cả con đường quanh co xoắn ốc lên tới đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ. Đến cuối mùa đông, hoa dã quỳ trải thảm vàng rực rỡ cả một vùng bên chân núi tạo nên cảnh đẹp mê hồn.
Ngay từ khi đặt chân tới, tôi đã như bị hút hồn bởi màu xanh bất tận của mây trời, cỏ cây và non nước. Hồ có hình bầu dục, sâu khoảng 30m, với diện tích 230ha. Soi bóng lòng Biển Hồ là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ. Người ta nói rằng nếu nhìn từ trên máy bay thì sự sóng đôi của Hàm Rồng - Biển Hồ như ẩn chứa trong lòng khát vọng phồn thực. Hàm Rồng nhô lên, Biển Hồ thụt xuống, giống như Yoni và Linga. Hàm Rồng là dương, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, Biển Hồ là âm, thẳm sâu xuống lòng đất bao dung. Nếu có vị thần quyền năng nào bê Hàm Rồng nhấn xuống Biển Hồ thì sẽ vừa khít như một cuộc hôn phối diệu kì.
Chẳng biết Biển Hồ có thông xuống biển Quy Nhơn hay không, nhưng có một thực tế là mực nước Biển Hồ hầu như không đổi trong suốt sáu tháng trời mùa khô Tây Nguyên không một giọt mưa. Tại đây, tôi đã thuê xuồng máy dạo chơi trên mặt hồ. Nước ở đây có chất lượng tốt nhất trong tất cả các hồ lớn tại Tây Nguyên cũng như toàn quốc. Trước đây, người ta đồn rằng, đáy Biển Hồ có những cái vực rất sâu, hun hút như giếng, giờ các nhà khoa học xác định là nó khá bằng phẳng. Cảnh hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh một màu xanh bất tận.