Việt Nam có thể vượt Malaysia, trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong khối ASEAN
5 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 22,64 tỷ USD, tăng 10,2% và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam...
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu 22,64 tỷ USD, tăng 10,2%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,85 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ, nhập siêu 32,2 tỷ USD.
Như vậy, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 20,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước là nhóm hàng rau quả tăng 32,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 96,2%; hóa chất tăng 88,3%; hạt điều tăng 45,6%; cà phê tăng 52,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 250,8%.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc đã bắt đầu ghi nhận sự phục hồi. Hoạt động ngoại thương với Việt Nam cũng đang trên đà khởi sắc. Việt Nam giữ vị trí nước có quan hệ thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 sang Trung Quốc (chỉ sau Malaysia với 33 tỷ USD).
"Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như trên, theo tính toán, đến hết năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt Malaysia trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong khối ASEAN", Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhận định.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường này do trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm các sản phẩm nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối...
Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh cũng thông tin, doanh nghiệp chợ đầu mối nông sản Song Phúc Trùng Khánh đang có nhu cầu nhập các mặt hàng rau, củ quả: ớt, gừng năm nhánh, tỏi đỏ, gừng sa khương, bí đỏ, khoai lang… Các loại trái cây: sầu riêng, chuối, thanh long, mít, chôm chôm, vải… Cà phê, hạt điều. Thủy sản: Cá basa, cua, tôm biển, hải sâm, ốc, ngao, chạch…
Tập đoàn lương thực Trùng Khánh có nhu cầu nhập khẩu gạo nếp và gạo thơm, trước mắt họ có hạn ngạch nhập khẩu ngay là 3000 tấn, đang cần tìm nguồn hàng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, thời gian qua Thương vụ đã phối hợp mật thiết với các cơ quan có liên quan hai bên để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm nông sản trái cây đang vào vụ.
Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam liên tục có các buổi làm việc để giải quyết một số khó khăn để tạo thuận lợi cho trái cây của ta xuất khẩu sang sở tại.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ để tìm kiếm các đối tác, khách hàng, như Hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng thành phố Trùng Khánh lần thứ 2 tổ chức từ ngày 20-22/9/2024.
Cũng theo Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, tuyến hành lang đường bộ đường biển mới miền tây (NLS) với sự tham gia của 12 tỉnh miền tây Trung Quốc + tỉnh Hải Nam + thành phố Hoài Hóa tỉnh Hồ Nam + thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông đã xây dựng nền tảng dịch vụ thương mại quốc tế của riêng NLS và cũng xây dựng thương hiệu riêng với tên gọi là “sản phẩm chất lượng cao NLS”.
Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm của mình đến với thị trường tỷ dân này. Doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu có thể làm thủ tục cấp phép tham gia nền tảng dịch vụ thương mại điện tử nêu trên và đăng ký thương hiệu sản phẩm chất lượng cao NLS.
Doanh nghiệp có thể trực tiếp mở cửa hàng online trên nền tảng dịch vụ NLS. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoài các giấy tờ thông thường thì cần cung cấp thêm Giấy phép kinh doanh của đại lý phân phối tiêu thụ Trung Quốc và Thư ủy quyền thương hiệu.
Hoặc doanh nghiệp tham gia hợp tác hàng OEM: Hàng sẽ được tiêu thụ mang thương hiệu “sản phẩm chất lượng cao NLS”.
Hoặc doanh nghiệp tham gia hợp tác liên doanh: vẫn sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam; hình thức hợp tác này cần tìm đại lý, nhà phân phối. Cũng như hợp tác ký gửi tiêu thụ: Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm ủy thác cho cửa hàng trên nền tảng dịch vụ này để tiêu thụ.
Hiện nay trên nền tảng NLS đã có 2 sản phẩm hàng Việt Nam được tiêu thụ theo hình thức hàng OEM mang thương hiệu “sản phẩm chất lượng cao NLS”, đó là gạo thơm và hạt điều Việt Nam.