Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Chiều 15/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với gần 50 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ về chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ...

Hội nghị do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu và Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt 547,1 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong quý I năm 2025, con số này là 125,6 triệu USD, chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép, thiết bị gia dụng và linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá rằng việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng tại thị trường này. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tiêu đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất công nghiệp và thị trường lao động của tỉnh. Thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp cho thấy có 45 doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và 49 doanh nghiệp chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế mới này.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn và thách thức do chính sách thuế mới gây ra, đồng thời chia sẻ các giải pháp ứng phó ngắn hạn và dài hạn. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với Trung ương và tỉnh về các biện pháp hỗ trợ để ổn định sản xuất kinh doanh và đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025.
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, chính sách thuế và đảm bảo tính minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết Việt Nam đang tích cực đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề thuế quan. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Ông cũng nhấn mạnh việc cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách vĩ mô về tiền tệ, tài khóa, thương mại và đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, phát triển thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử và các giải pháp kích cầu tiêu dùng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo cung ứng đủ điện, nước cho sản xuất. Tỉnh cũng sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư mới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Trần Duy Đông đề nghị cần tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong ứng phó với tình hình mới. Ông gợi ý các doanh nghiệp cần sớm làm quen với việc chuyển đổi từ trạng thái “thuế nhập khẩu nguyên liệu cao” sang “thuế nhập khẩu thành phẩm cao”.
Chủ tịch tỉnh khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, chuyển đổi sang hình thức sản xuất FOB, chủ động đàm phán chia sẻ gánh nặng thuế với nhà nhập khẩu, minh bạch xuất xứ hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh phân phối qua thương mại điện tử, cải thiện quy trình sản xuất, chuyển đổi số và tăng cường liên kết chuỗi cung ứng nội địa.
Đồng chí Trần Duy Đông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, kiến nghị thẳng thắn từ các doanh nghiệp và cam kết tỉnh Vĩnh Phúc sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.