Vốn ngoại bắt đầu mua mạnh, dòng tiền nội vẫn thận trọng
Trái ngược với sự hào hứng từ diễn biến lạc quan của chứng khoán Mỹ đêm qua, thị trường trong nước sáng nay giao dịch chậm. Không có sự hào hứng rõ rệt nào, thậm chí trạng thái giằng co kéo dài suốt phiên và thanh khoản sụt giảm nhẹ hơn 3% so với phiên trước. Tuy nhiên tín hiệu tốt là dòng vốn ngoại bắt đầu mua đối ứng mạnh. Hơn 1,3 ngàn tỷ đã được khối này giải ngân trên HoSE sáng nay, bù đắp đáng kể mức bán ra...
Trái ngược với sự hào hứng từ diễn biến lạc quan của chứng khoán Mỹ đêm qua, thị trường trong nước sáng nay giao dịch chậm. Không có sự hào hứng rõ rệt nào, thậm chí trạng thái giằng co kéo dài suốt phiên và thanh khoản sụt giảm nhẹ hơn 3% so với phiên trước. Tuy nhiên tín hiệu tốt là dòng vốn ngoại bắt đầu mua đối ứng mạnh. Hơn 1,3 ngàn tỷ đã được khối này giải ngân trên HoSE sáng nay, bù đắp đáng kể mức bán ra.
Thị trường đang bước tới những ngày cuối của đợt tái cơ cấu, khối ngoại bán ra ròng tăng mạnh trong tuần là bình thường. Dĩ nhiên các quỹ cũng sẽ mua lại với các cổ phiếu khác, nhưng phải đến sáng nay giao dịch mới đáng chú ý.
Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE sáng nay ghi nhận 1.344,6 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với sáng hôm qua và đạt mức cao nhất kể từ phiên sáng ngày 7/8/2023 (phiên đó khối ngoại thỏa thuận ròng hơn 3,1 ngàn tỷ đồng với ACB). Phía bán ra sáng nay cũng rất cao, đạt 1.527 tỷ đồng, tương ứng vị thế bán ròng -182,4 tỷ.
Việc khối ngoại vẫn duy trì bán ròng không có gì đặc biệt vì thông thường các giao dịch mua lớn sẽ xuất hiện vào phiên cuối tuần. Hiện cũng không có cổ phiếu nào bị bán ròng quá đặc biệt, lớn nhất là HPG -23,8 tỷ, CTG -21,2 tỷ. Đây là 2 mã duy nhất bị bán đáng kể, ngoài ra cũng chỉ 6 mã khác bị bán ròng trong khoảng 10 tỷ tới dưới 20 tỷ đồng.
Thanh khoản trên HoSE sáng nay chậm, khiến tỷ trọng vốn ngoại tăng cao. Cụ thể, giá trị mua của khối này chiếm 19,3% tổng giao dịch sàn HoSE và bán ra chiếm xấp xỉ 22%. Trong khi đó giá trị khớp lệnh sàn này lại giảm 7% so với sáng hôm qua. Như vậy dòng vốn trong nước đã có tín hiệu chậm lại.
Lực cầu suy yếu khiến thị trường sáng nay không có biểu hiện hào hứng thường thấy. Đêm qua chứng khoán Mỹ “ăn mừng” thông điệp mềm mỏng của FED và tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên sáng nay VN-Index chỉ có cú nhảy tăng hơn 6 điểm trong vài phút đầu tiên, sau đó trượt giảm. Chỉ số chạm đáy lúc 10h20, giảm 1,4 điểm so với tham chiếu. Độ rộng tại đáy này chỉ có 130 mã tăng/286 mã giảm, dù lúc 9h30 vẫn có tới 236 mã tăng/101 mã giảm. Rõ ràng là đà trượt dốc lan khá rộng, chứ không đơn thuần là ép trụ.
Mặc dù xuất hiện sự thất vọng kể trên, áp lực bán cũng không có gì đáng chú ý, biên độ giảm nhẹ và thanh khoản thấp. Khối ngoại tạo sức ép rõ rệt nhưng cũng không gây ra biến động nào đáng kể. Nửa sau của phiên sáng, thị trường từ từ hồi lên, cầu nâng giá tốt hơn giúp VN-Index quay đầu tăng 1,78 điểm, tương đương +0,16% với 231 mã tăng/228 mã giảm.
Nhóm blue-chips đang giao dịch khá tốt, chỉ số VN30-Index tăng 0,32% với 16 mã tăng/8 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất, 9 mã thuộc nhóm VN30. Dẫn đầu là VCB tăng 0,84%, ACB tăng 1,57%, FPT tăng 1,05%, GVR tăng 1%, SSI tăng 1,25%, TCB tăng 0,49%. Động lực phục hồi không mạnh do các trụ hàng đầu vẫn chỉ hồi lại, thậm chí trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, còn 4 mã giảm là BID giảm 0,48%, VIC giảm 0,8%, VPB giảm 0,26%, CTG giảm 0,37% và VHM, GAS, HPG chỉ tham chiếu.
Điểm tích cực là độ rộng thị trường đang thể hiện khả năng cân bằng tốt, dù thanh khoản chung là nhỏ. Đây là hệ quả của áp lực bán nhẹ. Trong số tăng, có 51 mã tăng trên 1% và phía giảm có 40 mã giảm trên 1%. Hơn 63% thanh khoản sàn HoSE sáng nay tập trung ở các cổ phiếu tăng giá cũng cho thấy độ rộng tuy cân bằng nhưng phân bổ dòng tiền thì nghiêng về phía tăng. Thậm chí trong 15 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên ở sàn này, duy nhất 2 mã giảm là NVL giảm 2,35% và EIB giảm 0,53%, còn lại đều tăng ngoài HPG tham chiếu.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn phiên sáng mới đạt 6.534 tỷ đồng, giảm hơn 3%, HoSE giảm 7% với khoảng 5.727 tỷ đồng. Dòng tiền vào chậm không phản là tín hiệu xấu vì có thể các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi đợt tái cơ cấu chính của các quỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần.