Vướng "điểm nghẽn" trong thực hiện các mục tiêu kinh tế, Thanh Hóa kiến nghị tới Thủ tướng
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, tỉnh Thanh Hóa còn gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết, chính vì vậy tỉnh này đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hỗ trợ....
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 của tỉnh ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Thanh ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa. Đặc biệt là giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu thực hiện nội dung theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội, để tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm có phương án và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch.
Để khắc phục điểm nghẽn về giao thông, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung (Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 59,42 km, sử dụng vốn vay WB. Đồng thời xem xem xét, giải quyết vướng mắc về nguồn vốn để Dự án thủy điện Hồi Xuân sớm triển khai hoàn thành, đi vào hoạt động.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, sớm hoàn chỉnh báo cáo đề xuất đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn với tổng chiều dài 7,0 km, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, theo hướng trình cấp có thẩm quyền giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Đối với Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai (Như Thanh) có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, quy mô 48,5ha. Để giải quyết vướng mắc, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa được áp dụng cơ chế đặc thù để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên.
Với tinh thần đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng và các thành viên Đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.
Cụ thể, Thanh Hóa cần tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ.
Trong đó ưu tiên phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao. Đi liền với thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cũng cho rằng, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh việc huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Đó còn là tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn với huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng số; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống y tế, giáo dục theo hướng đồng bộ và dành ưu tiên khu vực miền núi.