Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu?

Nguyễn Hoàng
Chia sẻ

Tuần giảm thứ 5 liên tiếp của VN-Index đã tăng tốc đáng kể khi chỉ số này bốc hơi 5,9% tương đương hơn 71 điểm. Áp lực nhất là thị trường đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh tháng 7 vừa qua. Các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng khi xác định các ngưỡng “đáy”, tùy thuộc vào khung thời gian, nhưng lại cho rằng cơ hội đang mở rộng sự chọn lựa cho các nhà đầu tư có tiền...

VN-Index đã xuyên thủng đáy hỗ trợ tháng 7/2022.
VN-Index đã xuyên thủng đáy hỗ trợ tháng 7/2022.

Tuần giảm thứ 5 liên tiếp của VN-Index đã tăng tốc đáng kể khi chỉ số này bốc hơi 5,9% tương đương hơn 71 điểm. Áp lực nhất là thị trường đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh tháng 7 vừa qua. Các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng khi xác định các ngưỡng “đáy”, tùy thuộc vào khung thời gian, nhưng lại cho rằng cơ hội đang mở rộng sự chọn lựa cho các nhà đầu tư có tiền.

Phiên đảo chiều cuối tuần qua cũng phần nào đem lại hi vọng khả năng thị trường tạo đáy hoặc gần đáy. Một số ngưỡng điểm được đưa ra như quanh mốc 1.100 điểm. Thị trường có khả năng xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật khi nhiều cổ phiếu điều chỉnh mạnh tới ngưỡng đáy cũ hoặc mức hỗ trợ.

Tuy vậy về dài hạn, các chuyên gia để ngỏ xu hướng giảm vẫn sẽ tiếp diễn. Lý giải việc thị trường không phản ứng tích cực với số liệu vĩ mô lạc quan trong quý 3, có ý kiến cho rằng thậm chí đó lại là điều thị trường lo lắng. Lý do là sức ép tăng lãi suất, lạm phát từ bên ngoài rất lớn, Việt Nam đã trì hoãn một thời gian khá dài và giờ phải chạy theo. Trong khi đó các đợt tăng lãi suất trên thế giới dự kiến vẫn sẽ tiếp tục thời gian tới và việc GDP Việt Nam tăng trưởng tốt lại tạo dư địa để các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Mặc dù xu hướng thị trường vẫn tiêu cực và có thể giảm trong dài hạn, các chuyên gia vẫn đánh giá có nhiều cơ hội đầu tư tốt, nếu nhà đầu tư quan tâm tới triển vọng dài hạn và bỏ qua những trồi sụt ngắn hạn. Việc giải ngân dài hạn có thể tiến hành từng bước, sau khi đã chọn lọc kỹ cổ phiếu. 

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường cuối cùng lại xảy ra kịch bản mà anh chị cho là ít xảy ra nhất khi VN-Index giảm xuống dưới vùng đáy tháng 7 vừa qua. Điều này lại xảy ra đúng vào thời điểm các số liệu vĩ mô quý 3 được công bố khá tích cực. Anh chị có thấy thất vọng vì diễn biến quá kém của thị trường hiện tại?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Trong các chuyên mục trước đây tôi cũng đã dự báo thị trường về vùng quanh đáy cũ. Thị trường đã diễn biến sát theo kịch bản này chỉ có điều điều chỉnh hơi mạnh hơn so với tôi dự định một chút do diễn biến thị trường thế giới xấu cũng như tâm lý nhà đầu tư giai đoạn hiện tại khá yếu.

 
Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu? - Ảnh 1

Thị trường giảm từ đỉnh cũng đã gần 200 điểm, theo tôi mức chiết khấu đó là đã đủ và nhiều cổ phiếu đã về vùng đáy cũng như vùng hỗ trợ mạnh. Tuần vừa rồi nhất là phiên thứ 6 tự doanh tham gia giải ngân rất mạnh gần 1.000 tỷ và nhiều tổ chức tham gia giải ngân. Từ nhiều yếu tố theo tôi khả năng cao thị trường tạo đáy quanh vùng 1.100 và bắt đầu nhịp hồi phục ngắn hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Diễn biến tiêu cực của thị trường trong 2 tuần trở lại đây là khá bất ngờ nhưng hoàn toàn có thể hiểu được khi mà biến động chứng khoán Việt Nam giai đoạn hiện tại gần như trùng khớp với biến động chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh lạm phát tháng 8 của Mỹ, đặc biệt là lạm phát lõi, bất ngờ tăng mạnh so với kỳ vọng, kéo theo đó là các tín hiệu siết chặt chính sách mạnh tay của FED, thị trường toàn cầu đã lao dốc trước lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Thị trường Việt Nam dù được hỗ trợ bởi số liệu vĩ mô lành mạnh cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực khi tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Nếu để nói cảm nhận về diễn biến của thị trường trong tuần qua, thì tôi chỉ có thế nói là “khốc liệt”. Khi có những lúc VN-Index tạo cảm giác như đang “lạc trôi” trong vô định và chỉ số giảm xuyên đáy tháng 7 một cách rất dễ dàng .

Tuy nhiên, tôi lại không quá thất vọng với tín hiệu ngược giữa số liệu vĩ mô quý 3 được công bố có vẻ tích cực và diễn biến tiêu cực của thị trường. Lý do thứ nhất là thị trường luôn vận động với lý lẽ riêng. Và lý do thứ hai là thông tin về số liệu tăng trưởng GDP quý 3 được công bố tuy có ấn tượng về mặt số liệu nhưng lại không bất ngờ so với dự báo của thị trường. Bởi con số tăng trưởng GDP 13,67% của quý 3 năm nay là nhờ nền tảng so sánh thấp của mức tăng trưởng -6,17% ở quý 3 năm 2021 do tình hình dịch bệnh gây ra.

Vì vậy, tôi thấy việc thị trường giảm điểm trong tuần qua chỉ là sự tiếp diễn của một xu hướng giảm với mức độ rủi ro đang dâng cao.

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 thị trường bất ngờ đảo chiều, xuất hiện lại sắc xanh khi những phiên trước đó là sắc đỏ bao trùm ròng rã gần như cả tháng 9. Bắt đầu tuần tới, các doanh nghiệp sẽ công bố dần kết quả kinh doanh quý 3, lúc này, thị trường sẽ có sắc đỏ, xanh đan xen khi kỳ vọng về lợi nhuận được hé lộ dần.

Tôi cho rằng một phiên cuối cùng của tháng 9 chưa đủ cơ sở để kết luận diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ như thế nào, chúng ta cần thời gian để quan sát thêm. Lúc này, là lúc chọn lựa cổ phiếu theo kỳ vọng về cơ bản của doanh nghiệp, chứ không thể dùng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua, bán, vì nhiều cổ phiếu gần như đã phá vỡ khỏi ngưỡng hỗ trợ.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Diễn biến thị trường giai đoạn cuối tháng 9 khiến nhà đầu tư thất vọng nhưng không phải quá bất ngờ trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thế giới biến động xấu, tâm lý giảm sút. Cho dù diễn biến kinh tế Việt Nam khởi sắc nhưng tác động liên thị trường giữa thị trường tài chính thế giới với chứng khoán Việt Nam là không nhỏ. Trong quá trình vận động, thị trường cũng mang tính chu kỳ có giai đoan tăng điều chỉnh và tăng tiếp và rồi cũng lại đến giai đoạn giảm, giai đoạn hồi phục tạm thời và giảm tiếp. Theo tôi nhà đầu tư cũng không thấy thế mà lo lắng bởi thị trường giảm, nhiều cổ phiếu giảm về mức giá hấp dấn có thể là cơ hội với những nhà đầu tư với tầm nhìn dài hơi...

Nguyễn HoàngVnEconomy

Vẫn biết rằng thị trường có sự vận động riêng và luôn luôn đúng, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa rõ vì sao mọi yếu tố tích cực đều được chỉ ra rõ ràng, như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến cao, lạm phát được kiềm chế, GDP tốt nhất 12 năm... Thậm chí trong những tuần bàn luận gần đây, anh chị cũng đánh giá yếu tố nội tại mạnh sẽ giúp thị trường tránh được tác động ngoại biên. Vậy có thể lý giải thực trạng thị trường lúc này như thế nào, hay thị trường vẫn chưa thật sự rẻ?

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt.

Ngày 23/9/2022, Ngân hàng nhà nước đã quyết định tăng 1 điểm phần trăm lãi suất điều hành, với lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2.5% lên 3.5%.

Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với vấn đề: khủng hoảng lương thực và khí đốt tại châu âu, lạm phát cao tại Mỹ, các vấn đề tại Trung Quốc, căng thẳng chính trị, FED nâng lãi suất.

Tại Việt Nam, nhà điều hành chính sách đang đối mặt với việc phải ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát. Thực tế, tỷ giá vẫn tiếp tục tăng, dù Ngân hàng nhà nước đã phải can thiệp bán ra hơn 20 tỷ USD. Việc nâng lãi suất thì có phần xung đột với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của VN được đặt ra ngay từ đầu và vẫn được nhấn mạnh đến hiện tại.

Tôi nghĩ đó là những vấn đề đáng lo ngại trên thị trường lúc này, khi nguồn tiền rẻ đã không còn, lãi suất tăng, chính trị leo thang... khiến cho tâm lý thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng khá mạnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

 
Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu? - Ảnh 3

FED còn nhiều đợt tăng lãi suất ở phía trước thì hành động thay đổi lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước có thể chưa dừng lại. Theo tôi, đây mới là nỗi lo chính cho thị trường, và dường như số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam càng tích cực thì càng tạo nhiều không gian hơn cho nhà điều hành sử dụng công cụ lãi suất. Vì lúc đó, Việt Nam có thể chấp nhận một mức tăng trưởng kinh tế vừa phải hơn ở quý 4/2022 cũng như năm 2023, để đổi lấy sự ổn định của tỷ giá cũng như sự ổn định chung của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ở giai đoạn hiện tại, tôi cho rằng xu hướng vận động của thị trường không chỉ chịu sự chi phối trực tiếp từ sự thu hẹp dòng tiền tham gia thị trường do “room” tín dụng đang bị hạn chế mà còn đến từ sự sụt giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất tăng và sự thận trọng của nhà đầu tư trước rủi ro bởi lo ngại nền kinh tế thế giới suy thoái.

Trong khi đó, các số liệu tích cực như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự kiến cao, GDP tốt nhất 12 năm... có được là bởi so sánh với cùng kỳ thấp, nên không có bất ngờ với thị trường.

Mặt khác, với các số liệu vĩ mô quý 3 của Việt Nam tích cực có thể lại là nguyên nhân làm cho Chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước mạnh tay hơn với công cụ thay đổi lãi suất nhằm ứng phó với các tác động từ các đợt tăng lãi suất của FED nhằm giữ được tỷ giá ổn định trong ngưỡng chấp nhận được.

Ngân hàng nhà nước khởi động công cụ nâng lãi suất điều hành cùng với thời điểm thay đổi lãi suất của FED trong tháng 9 vừa qua. Sau khi đã phải dùng hết các công cụ như giữ nguyên “room” tăng trưởng tín dụng 14% hay bán kho dự trữ ngoại tệ về dưới mức tiêu chuẩn 12 tuần nhập khẩu nhằm ứng phó với mỗi lần thay đổi lãi suất của FED, thì hiện nay công cụ còn lại của Ngân hàng nhà nước chỉ là thay đổi lãi suất điều hành.

Trong bối cảnh dự báo FED còn nhiều đợt tăng lãi suất ở phía trước thì hành động thay đổi lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước có thể chưa dừng lại. Theo tôi, đây mới là nỗi lo chính cho thị trường, và dường như số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam càng tích cực thì càng tạo nhiều không gian hơn cho nhà điều hành sử dụng công cụ lãi suất. Vì lúc đó, Việt Nam có thể chấp nhận một mức tăng trưởng kinh tế vừa phải hơn ở quý 4/2022 cũng như năm 2023, để đổi lấy sự ổn định của tỷ giá cũng như sự ổn định chung của nền kinh tế.

Tựu chung lại, thị trường chứng khoán đang chịu sự tác động trực tiếp bởi xu hướng lãi suất trong nước đang tăng lên và tình trạng khan hiếm tín dụng vào quý 4, bên cạnh các yếu tố tác động gián tiếp từ sự bất ổn định của vĩ mô thế giới hay hành động trái ngược của các Ngân hàng Trung ương tới các sự kiện địa chính trị đang diễn ra hết sức phức tạp, từ cuộc chiến Nga – Ukraina tới cuộc bầu cử của Trung Quốc sắp diễn ra.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thị trường diễn biến bởi cung cầu và cung cầu trong ngắn hạn tác động rất mạnh bởi yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Khi thị trường giảm mạnh tâm lý nhà đầu tư rất yếu và rất dễ bán theo đà chung chưa kể thị trường giảm mạnh còn làm “Force Sell” (bán cưỡng bức) từ đó tạo hiệu ứng hòn tuyết lăn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Thị trường chứng khoán có những lý do giải thích được và cũng có lý do không thể giải thích được! Nền kinh tế và thị trường chứng khoán là 2 vấn đề khác nhau - chúng có thể là nguyên ngân, lý do kinh tế vĩ mô có thể giải thích hoặc phản ánh diễn biến xu hướng của thị trường chứng khoán và ngược lại. Thị trường đôi khi đi trước nền kinh tế - hoặc phản ứng chậm hơn những gì mà nền kinh tế đang “bộc lộ”.

Câu chuyện ở đây còn liên quan đến niềm tin nhà đầu tư, tâm lý, các yếu tố bên ngoài như tình hình địa chính trị thế giới chi phối - đó là tổng hợp nhiều nguyên nhân khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Chính vì thế mà chúng ta thường nên quan tâm đến các cơ hội đầu tư riêng lẻ hơn là toàn bộ thị trường chứng khoán, nền kinh tế. Thị trường đang giảm về mức định giá hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn là cổ phiếu gì đang hấp dẫn? Câu hỏi cụ thể cũng gợi mở cho các nhà đầu tư rằng nhiều cơ hội đầu tư giá trị đã xuất hiện.

 
Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu? - Ảnh 4

Từ góc nhìn dài hạn, dù thị trường có cơ sở để lo ngại nhưng tôi cho rằng chỉ số VN-Index đã bị bán tháo quá đà khi mà P/E forward 2022 của chỉ số này hiện nay đã tương đương mốc đáy thời điểm Covid-19.

Ông Trần Đức Anh

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Xét từ khía cạnh cơ bản, nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng, xuất phát từ Mỹ, EU hoặc ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ 3 góc độ dòng vốn, biến động tỷ giá, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên hầu hết các dự báo ở thời điểm hiện tại đều đánh giá cuộc suy thoái, tới đây nếu xảy ra, sẽ là tương đối nhẹ và độ lan toả sẽ không lớn khi mà hệ thống ngân hàng ở các nước phát triển đã lành mạnh hơn rất nhiều so với thời điểm khủng hoảng 2009. Trong kịch bản này, rất ít khả năng kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh trong bối cảnh các động lực tăng trưởng trong nước vẫn tương đối vững mạnh. Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết nhiều khả năng cũng sẽ được đảm bảo trong vài năm tới.

Theo đó, từ góc nhìn dài hạn, dù thị trường có cơ sở để lo ngại nhưng tôi cho rằng chỉ số VN-Index đã bị bán tháo quá đà khi mà P/E forward 2022 của chỉ số này hiện nay đã tương đương mốc đáy thời điểm Covid-19.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Việc VN-Index thủng đáy trung hạn là tín hiệu xấu về mặt kỹ thuật. Thậm chí đã có những con số “khủng khiếp” được đưa ra như 1.000 điểm, 900 điểm. Anh chị dự kiến mức điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ đến đâu?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Chúng ta đang tạm tin tưởng mức hỗ trợ mạnh mốc 1.100 ( +/- 20 điểm) và các mức giảm sâu hơn cũng không phải quá quan trọng nhất ở hiện tại xét về quan điểm đầu tư. Duy chỉ việc giao dịch ngắn hạn đang cần “timing” mua gì bán gì thời điểm ngắn hạn hoặc cần cơ cấu tài khoản thế nào để nhà đầu tư yên tâm hơn. Dù thế nào đi nữa tôi cho rằng việc bán gì thời điểm này cũng đã là muộn. Ai đang giữ cổ phiếu cũng cần kiên định, đặt niềm tin vào doanh nghiệp, triển vọng của cổ phiếu.

 
Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu? - Ảnh 5

Tôi cho rằng một phiên cuối cùng của tháng 9 chưa đủ cơ sở để kết luận diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ như thế nào, chúng ta cần thời gian để quan sát thêm. Lúc này, là lúc chọn lựa cổ phiếu theo kỳ vọng về cơ bản của doanh nghiệp, chứ không thể dùng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua, bán, vì nhiều cổ phiếu gần như đã phá vỡ khỏi ngưỡng hỗ trợ.

Hồ Nguyễn Thủy Tiên

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Thị trường giảm từ đỉnh cũng đã gần 200 điểm, theo tôi mức chiết khấu đó là đã đủ và nhiều cổ phiếu đã về vùng đáy cũng như vùng hỗ trợ mạnh. Tuần vừa rồi nhất là phiên thứ 6 tự doanh tham gia giải ngân rất mạnh gần 1.000 tỷ và nhiều tổ chức tham gia giải ngân. Từ nhiều yếu tố theo tôi khả năng cao thị trường tạo đáy quanh vùng 1.100 và bắt đầu nhịp hồi phục ngắn hạn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn kỹ thuật, tôi nhận thấy trong trung và dài hạn, các mốc 1.000 điểm hay 900 điểm thì đối với VN-Index chưa hẳn đã là hỗ trợ mạnh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì tôi lạc quan hơn với kịch bản VN-Index sẽ có đợt hồi phục tại vùng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm.

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt.

Hiện tại, nếu dùng phân tích kỹ thuật để dự báo, thì VN-Index đã chính thức xuyên thủng hỗ trợ. Do đó, lúc này, nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn doanh nghiệp theo cơ bản, tiềm năng tăng trưởng còn, tự chủ nguồn nguyên liệu, ít bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu, nhập khẩu từ thế giới, thì có thể chờ đợi và mua dần khi thi trường bắt đầu có dấu hiệu tích cực.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhà đầu tư đang mất phương hướng, lời khuyên của anh chị lúc này là gì, kể cả với người nắm giữ cổ phiếu lẫn nắm giữ tiền mặt?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Thị trường trong ngắn hạn đang biến động rất khó đoán định và phần nhiều phụ thuộc vào diễn biến thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro thấp theo tôi có thể chờ xu hướng thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định trở trước khi giải ngân với tỷ trọng cao.

Dù vậy, nhà đầu tư có mục tiêu nắm giữ dài hạn và có thể chịu đựng được các biến động trồi sụt bất thường hoàn toàn có thể bắt đầu dài ngân ở vùng giá hiện tại với các cổ phiếu cơ bản tốt với tăng trưởng cao được kỳ vọng đảm bảo trong 2, 3 năm tới nhờ hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô.

 
Xu thế dòng tiền: “Bục” đáy, thị trường còn rơi đến đâu? - Ảnh 6

Thị trường đang giảm về mức định giá hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn là cổ phiếu gì đang hấp dẫn? Câu hỏi cụ thể cũng gợi mở cho các nhà đầu tư rằng nhiều cơ hội đầu tư giá trị đã xuất hiện.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu mà không dùng margin có thể cân nhắc mua lướt để giảm giá vốn. Với những nhà đầu tư “căng” margin nên giảm bớt tỷ trọng ở các nhịp hồi và vùng kháng cự của cổ phiếu. Với nhà đầu tư đang nằm giữ tiền mặt có thể giải ngân từng phần, khi cổ phiếu mua bước 1 về tài khoản có lãi có thể mua tiếp để gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu.

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt.

Với nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu, nếu đang có sử dụng nguồn tiền vay, thì cần tranh thủ nhịp hồi của thị trường để giảm margin tối đa về 0; Phân tích kỹ cổ phiếu trong danh mục của mình, xem các quý, các năm tiếp theo có còn tăng trưởng tốt hay không? Doanh nghiệp đó có vay nợ nhiều hay không? Có bị ảnh hưởng bởi xuất nhập khẩu hay không? Nếu tích cực, thì vẫn có thể nắm cổ phiếu (không vay margin) và chờ đợi.

Nhà đầu tư đang nắm tiền mặt có lợi thế, ít nhất trong ngắn hạn, chưa cần giải ngân vội, mà sẽ quan sát diễn biến thị trường, tìm doanh nghiệp có triển vọng, đưa ra giá mua phù hợp. Có thể đặt chờ mua sẵn tại vùng giá xác định, khi thị trường giảm, chạm giá mua, thì mình có cơ hội mua được giá thấp, giải ngân từng phần.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Trong bối cảnh thị trường đang trong một xu hướng giảm trung và dài hạn, thì với vị thế nắm giữ tiền mặt sẽ có nhiều lựa chọn tốt. Nhà đầu tư không chỉ chọn cách đơn giản là tiếp tục tích lũy tiền mặt và ngủ đông để chờ đợi một chu kỳ mới của thị trường mà còn có thêm lựa chọn khác như là sử dụng một phần tỷ trọng nhỏ với 30% tài khoản để tham gia một đợt lướt sóng ngắn hạn ở vùng 1.100 điểm.

Trong trường hợp, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì nên chờ đợi đợt hồi phục ngắn hạn tới để thoát dần cổ phiếu và đưa danh mục về tỷ trọng an toàn. Và theo tôi, nhà đầu tư ở trường hợp này nên bình tĩnh để có những quyết định tốt nhất.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Với nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu, tất nhiên khuyến nghị là nên cơ cấu cổ phiếu/tiền mặt an toàn để tránh rơi vào trạng thái rủi ro cao nếu thị trường biến động bất lợi hơn, cho dù VN-Index có tạo đáy ở 1.100 cuối tuần qua hay không để đề phòng những kịch bản tệ hơn.

Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt thì việc lựa chọn tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới hoặc giao dịch ngắn hạn đối với họ lại dễ hơn: Có thể tiếp tục đứng ngoài hoặc tham gia bắt đáy với tỷ trọng nhỏ.

Dù thế nào đi nữa thì nhà đầu tư giai đoạn này cũng nên giữ trạng thái thư thái, thoải mái và bình tĩnh hơn cả và nên tự nhủ rằng thị trường giá xuống sẽ kết thúc và sẽ lại bắt đầu vào chu kỳ giá lên. Dù thị trường diễn biến thế nào cũng có ít nhiều các cơ hội cho cả giao dịch ngắn hạn và đầu tư giá trị, quan trọng là nhà đầu tư có tìm thấy các cơ hội đó với việc quản trị rủi ro tốt hay không.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con