Xuất khẩu thủy sản tháng 11 giảm mạnh
Tháng 11/2022 – lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021…
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11/2022, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.
CÁ TRA TĂNG TRƯỞNG MẠNH NHẤT
Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra vẫn đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng tới 63%, xuất khẩu tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức tăng 40%, đạt 941 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng khá mạnh 30% đạt 704 triệu USD.
"Xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra khoảng 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD và cá ngừ 1 tỷ USD. Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 77%. Thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản nằm top 4, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD".
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.
Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc - Hongkong và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thuỷ sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.
Khối các nước CPTPP (bao gồm Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
“Nhìn chung, thành tựu trên 10 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng”, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định.
Tuy nhiên theo bà Hằng, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý 4/2022. Cụ thể, trong tháng 10/2022, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với tháng 11/2021.
"Dự báo tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ", bà Lê Hằng nhận định.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
SẼ KHÓ KHĂN ĐẾN HẾT QUÝ 1/2023
Nhận diện bức tranh hiện nay liên quan đến việc sụt giảm mạnh đơn hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết thông điệp xuyên suốt cho năm 2023 là có nhiều chuyện đáng lo. Bởi, ngành thủy sản là ngành xuất khẩu nên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xấu đi, ngành thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Tuy vậy, theo ông Hòe, ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan, bởi thị trường không thể xuống mãi được, quan trọng thị trường trở lại khi nào. Thống kê bởi Hiệp hội, một số doanh nghiệp nhỏ kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng trở lại vào tháng 12 năm nay. Nhưng, nhóm doanh nghiệp lớn thì phải đến cuối quý 1/2023 mới có thể hồi phục.
"Đánh giá chung cho giai đoạn 2023- 2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Doanh nghiệp thủy sản chỉ có thể chịu được lãi suất cho vay ở mức 10-12%/năm".
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) - chuyên nuôi chế biến tôm xuất khẩu - hàng năm lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là hơn 20% và còn lại là các nguồn cung cấp khác.
Việc nhập con giống đã làm giá thành xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Ecuador và Ấn Độ khoảng 1 USD cho mỗi loại cùng size. Do vậy, nếu đúng như hoạch định của Tổng cục Thuỷ sản, giai đoạn 2022-2030, từ chương trình giống, sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu tôm sú, giúp tăng thêm phần chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước thì xuất khẩu tôm mới có cơ hội “khởi sắc”, chiếm lĩnh thị trường Mỹ, EU và giữ vững được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Nội tại trong nước, chúng ta phải nâng tỷ lệ nuôi thành công, ví dụ trước đây nuôi 10 ao – trúng 3 ao, thì cố gắng giờ trúng 7 ao. Tăng tỷ lệ nuôi thành công sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của mình”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thuỷ sản bằng hình thức trực tiếp và online cho thấy, 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.
Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Với câu hỏi “Doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp gì để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động?”, đa phần đều lựa chọn ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho.
Đồng thời, có tới 87% doanh nghiệp nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai và chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay.
Việc nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay vốn, cũng đang khiến các doanh nghiệp ngành thủy sản lo lắng. Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, Hậu Giang chia sẻ, lãi suất vay năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá cũng đang gây trở ngại khi không ngừng tăng cao, làm chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp 10 tháng năm 2022 cũng rất lớn.
“Hiện nay doanh nghiệp phát sinh khoản tiền vay, nhất là tiền USD, tỷ giá tiền đô tăng. Mình có đồng thu về đô nhưng bù trừ giữa tiền vay và tiền thu về, ít nhiều làm cho tiền của mình nó bị lỗ trị giá”, ông Toàn nói.