39/51 bộ và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách như “rùa bò”
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang tăng tốc khi tính hết tháng 9 ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương gần 253.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới mức trung bình và 1 địa phương giải ngân đạt 20%...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9 là 253.148,12 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân có sự thay đổi tích cực, khi kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tương đương đạt trên 212.227 tỷ đồng) nhưng bước sang tháng 9, khi đạt tỷ lệ 46,7% (tương đương đạt gần 253.000 tỷ đồng).
Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng, ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Tuy nhiên, "39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư , 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước tình trạng giải ngân chậm trễ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị: "Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình".
Nhận diện và phân tích khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có khoảng 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính.
Đó là nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên-môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong các nhóm trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện.
Để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 giải pháp triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm.
Theo đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng.
"Các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.
Song song, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trước tháng 11/2022 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương...
Cần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ.